Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội...


.
Viết cho các con và những người bạn - những người đã và đang ủng hộ tôi:


 "Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, Thủ Đô yêu dấu
Một thời đạn bom, một thời hòa bình"

Cu cậu chảy nước mắt khi nghe bài hát. Cu cậu mới 10 tuổi, cậu không muốn bố biết cu cậu khóc vì chẳng có lý do gì để khóc, nhưng bố biết có một lý do rất đáng để cu cậu buồn và lý do đó rất đẹp, bố biết và bố tự hào về cậu lắm.

Bố bắt đầu giải thích để cu cậu hiểu tình cảm rất đẹp của cậu, và là người đàn ông, dù buồn đến đâu cũng cố đừng khóc vì bố muốn cậu luôn tỉnh táo để sống một cuộc sống ít nhất là ý nghĩa đối với chính cu cậu.

Bố bảo:
- Ngày con ở Mỹ một năm, con có nhớ Hà nội không?
Cu cậu bảo: "Có".
Bố lại hỏi:
- Tại sao con nhớ Hà nội?

Nó bảo Hà nội có ông bà nội ngoại và ngoài cái đó ra, cu cậu không hiểu còn lý do gì đó để cu cậu nhớ, chỉ biết rằng cu cậu rất nhớ Hà nội và không chỉ mình cu cậu, hai đứa em, một đứa lên 7 một đứa hơn 4 tuổi đều nhớ.

Về Hà nội được vài tháng, cả nhà lại vào Đà Nẵng khoảng 1 năm, trẻ con lại nhớ Hà nội và chúng nó nhắc Hà nội nhiều, nằng nặc đòi ra mặc dù Đà Nẵng có biển, có sông và nhiều thứ nữa, nhưng chúng nó nhớ , đơn giản là vậy.

"Nhớ phố Thâm Nghiêm rợp bóng cây
Tiếng ve ru những trưa hè
Và nhớ những công viên vừa mới xây
Bước chân em chưa mòn lối"

Tạm gọi là ngày "Giải phóng thủ đô 10/10", hai bố con tôi đêm khuya lại bật nghe bài "Nhớ về Hà nội" của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
Bố hỏi con là:  "Con có thấy Hà nội có những đường phố với những cây to không ?. Người ta đã chặt đi nhiều nhưng cũng còn một vài con phố, mùa hè nóng nực, con nhìn vậy có thấy đẹp không?".

Nó bảo: "Có".

Nó chưa hiểu "tiếng ve ru những trưa hè" vì ngày nhỏ, bố nó trong cái nóng nực oi bức, tiếng ve kêu inh tai. Ngày đó còn khổ nhưng không lừa đảo nhiều như bây giờ, cũng không có nhiều quan tham và hèn hạ như bây giờ, khổ nhưng cũng có cái vui, ngay cả khi máy bay Mỹ bay trên đầu... Và khi đi xa, người ta nhớ tiếng ve đó, nhớ cái khổ đó, nhớ cái nóng đó, nhớ cái tình người thời bao cấp đó, nhớ cả giấc ngủ trưa hè cùng tiếng ve kêu. Ve bây giờ ít kêu hơn, hình như chúng chết hết rồi thì phải. Và trong cái hỗn độn, ồn ào tiếng còi xe, tiếng máy nổ, tiếng ù ù của điều hòa, tiếng đập chát chúa của những công trình xây dựng cả ngày lẫn đêm, âm thanh của ve hình như không còn chỗ trong bản đồng ca bất đắc dĩ đó.

Tôi nhớ ngày xưa, khi trưa hè đến, hoa phượng nở đỏ sân chơi, trẻ em mang súng cao su đi bắn chim, chơi bi, thả diều. Tôi thích hoa phượng vì nó đẹp và vì khu tôi có cô bé Phượng nhìn rất xinh. Trong cái nóng bức, yên ắng đó, người ta nghe thấy cả tiếng mấy con gà hàng xóm lục cục trong chuồng, tiếng nhà bên rửa bát quét sân, la hét con cái...

Yên ắng quá, và "Dù có đi bốn phương trời", người ta vẫn nhớ "tiếng ve ru những trưa hè" đó .

Ở Mỹ, ở châu Âu, công viên của họ rất đẹp, đẹp đến mê người, an toàn, thân thiện đến chỉn chu nhưng người ta vẫn nhớ những công viên, những vườn hoa mới sửa, mới xây, nhiều khi quê mùa, thô ráp, bởi vì ngày đó, có được một công viên như thế là ước mơ của nhiều người, và người ta nhớ.


Rồi bố dẫn cu cậu ra hồ Hoàn kiếm thăm cụ rùa đã chết trong đền Ngọc sơn. Cu cậu hỏi con rùa này to nhất thế giới chưa. Bố bào bố không biết, chỉ biết nó to và còn một con đang sống trong hồ và không biết khi nào nó chết, có thể bố sẽ chết trước nó hoặc ngược lại.

Bố bảo nó nhìn tháp rùa và bố nói đại đó là biểu tượng của Hà nội. Nó hỏi biểu tượng là gì, bố bảo giống như khi người ta nhìn thấy tháp Eifel thì người ta nghĩ đến nước Pháp, nhìn thấy Nữ thần tự do thì người ta nghĩ đến nước Mỹ, khi người ta thấy cổng Brandenburg thì người ta nghĩ đến Berlin. Bố đã dẫn nó đến tất cả những nơi đó. Biểu tượng, nó nhắc nhớ người ta đến một vị trí nào đó, một văn hóa hoặc một quốc gia nào đó, và tất nhiên, khi nhìn thấy tháp rùa, người ta sẽ nghĩ đến Hà nội.




Cu cậu ầm ừ tỏ ra hiểu.
Ok, tháp rùa - Hà nội, Eifel - Pháp, Brandenburg - Berlin, Kim tự tháp - Ai cập...

Hơi lằng nhằng !

"Ôi nhớ Hồ Gươm xanh thắm
Nơi Tháp Rùa nghiêng soi bóng
Thành cũ Thăng Long hồn nước non thiêng
Còn lắng đâu đây dấu xưa oai hùng
Hà Nội ơi"

Đến tượng vua Lý Thái Tổ, bố giải thích cho cậu rằng "ngày xưa, Việt Nam có những vị vua. Khi Việt Nam bị Trung Quốc đánh và muốn dân Việt làm nô lệ thì họ đã cùng người Việt khác đứng lên đánh trả người Trung Quốc. Nước Trung Quốc rất lớn nên họ luôn muốn biến Việt nam thành nô lệ của họ. Và người Việt đã luôn dũng cảm, đặc biệt trước ngoại xâm. Thăng Long là tên cũ của Hà nội, Thăng Long oai hùng, con là người Việt, con cũng sinh ra ở Hà nội, con là người Hà nội, con phải dũng cảm để sống nhé".

Và bố con tôi lại:

"Nhớ những cơn mưa dài cuối đông
Áo chăn chưa ấm thân mình
Và nhớ lúc bom rơi thời chiến tranh
Đất rung ngói tan gạch nát
Em vẫn đạp xe ra phố
Anh vẫn tìm âm thanh mới
Bài hát đôi ta là khúc quân ca
Là ước mơ xa hướng lên Ba Đình

Tràn niềm tin"


Bố còn bảo mùa nồm, Hà nội có những cơn mưa phùn dài liên miên, đất ẩm ướt, khí hậu rất khó chịu. Nó bảo: "Mưa phùn bẩn lắm bố ạ". Bố bảo nó là rất bẩn nhưng bố còn hỏi nó là nó có yêu mẹ nó không . Nó bảo có. Bố bảo là bây giờ mẹ nó vẫn đẹp, sau này, mẹ nó xấu và già" (bố làm bộ mặt nhăn nhó, xấu xí), lúc đó, nó có yêu mẹ nó không. Nó vẫn bảo là . Bố bảo "con thấy đấy, khi con đã yêu cái gì thì kể cả khi nó xấu, con vẫn yêu nó, và đó là tình yêu con ạ".

Và bố bảo nó là trong "cơn mưa dài cuối đông" đó, Hà nội vẫn nhiều người rất nghèo, họ không đủ chăn để đắp, đủ áo để mặc, và bố nhớ Hà nội thời đói rách đó, trong đó có bố mẹ và ông bà con. Con bảo người Mỹ OK, nhưng đã có thời, người Mỹ ném bom Hà Nội "đất rung ngói tan gạch nát". Ngày đó, bố còn nhỏ, chưa biết sợ, bố và ông bà chui xuống hầm và tất cả người lớn đều lo lắng cho số phận gia đình, bản thân và dân tộc, tuy nhiên, người Hà nội vẫn "đạp xe ra phố", vẫn "tìm âm thanh mới", dũng cảm, liều lĩnh, lạc quan là thế.

Ngày xưa, bố được học Chính trị rằng đó là "tình thần lạc quan cách mạng" (!?).

Và họ hát:

"Bài hát đôi ta là khúc quân ca
Là ước mơ xa hướng lên Ba Đình

Tràn niềm tin"


Bố tâm sự tiếp với con trai:

"Bố là người Tin Lành, bố không tràn niềm tin nơi Ba Đình, nhưng một thế hệ đã tin như thế, trong đó có ông bà nội ngoại của con. Và con biết rất rõ là con yêu mẹ, yêu ông bà, vậy, ông bà đã tin như thế, đã phải hi sinh cho cái đó (dù thích hay không)  thì không lý do chính đáng nào có thể cho phép con xỉ vả lòng tin đó. Con chỉ có thể đồng tình hoặc không. Dù sao, đó cũng là lòng tin, ý chí và khí thế của một thời dù nó mông muội, cuồng tín đi chăng nữa. 
Bố không tin gì ở cái Ba Đình đó, nhưng bố biết, ông bà nội ngoại rất thương các con và hãy nhớ lấy điều đó".

Và vì vậy, bố vẫn thích bài hát. Ngoài cái giai điệu rất trữ tình, lãng mạn, lạc quan, bài hát còn có lời viết rất tình cảm và thấm đượm tình người.

Đối với người nghệ sĩ, như thế là rất thành công.

"Nhớ những con đê thành lối xe
Bước chân năm tháng đi về
Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya
Hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy
Ôi nhớ Thủ Đô năm ấy
Ta đánh giặc trên mâm pháo
Truyền thống cha ông gìn giữ non sông
Từ thuở Thăng Long vẫn mang trong lòng
Hà Nội ơi"

Bố còn bảo con trai:

"Bố còn nhớ, khi máy bay Mỹ ném bom Hà nội, trên nóc khách sạn bên Đường Thành, bố thấy người ta đặt ụ súng chĩa thẳng lên trời và bắn. Người Hà nội hiên ngang là thế, dại dột là thế, thách thức không lực của cường quốc mạnh nhất thế giới. 

Mỗi khi nhớ đến câu hát, lại hiện về trong tâm trí bố hình ảnh ụ súng đó"

Hà nội vẫn văng vẳng câu hát:

"Ôi nhớ Thủ Đô năm ấy
Ta đánh giặc trên mâm pháo
Truyền thống cha ông gìn giữ non sông
Từ thuở Thăng Long vẫn mang trong lòng

Hà Nội ơi "

Và mỗi lần bố đi xa, bố lại luôn nhớ về Hà nội theo cách đó:

"Nhớ phố Quang Trung, đường Nguyễn Du
Những đêm hoa sữa thơm nồng
Và nhớ, nhớ bao khuôn mặt mến thân
Đã quen bước chân giọng nói
Ôi nhớ chiều ba mươi Tết
Chen giữa đào hoa tươi thắm
Đường phố đông vui chờ đón tân niên
Là phút thiêng liêng lắng nghe thơ người
Hà Nội ơi
Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, Thủ Đô yêu dấu
Một thời đạn bom, một thời hòa bình"

Con hỏi người Mỹ có đánh Hà nội nữa không . Bố bảo con: "Chắc là không (?)" . Rất nhiều người trong thế hệ chúng con sẽ ngộ ra một điều rằng người Mỹ -  OK, chỉ có chúng ta, đôi khi không biết cư xử để có những điều đáng tiếc đã xảy ra.

Đừng nghĩ chúng ta là dân tộc vĩ đại. Đó là sự ru ngủ, đừng tin !

Và bố yêu Hà nội vì bố và các con được sinh ra và nuôi lớn ở đây, người Mỹ chỉ mới dạy con được 01 năm thôi, mà bố phải mang tiền của ta từ đây đi để chi tiêu bên Mỹ đấy. Bố năm nay đã 50 tuổi, con được 10 tuổi, từng đấy tuổi, người Mỹ chưa nuôi con được mấy nên dù biết người Mỹ tốt, người Mỹ - Ok, nhưng hãy kính trọng dân tộc này, trong đó có bố mẹ, ông bà con và như thế, con đã tôn trọng chính bản thân mình.

 "Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, Thủ Đô yêu dấu
Một thời đạn bom, một thời hòa bình"


Bố thích bài hát đó và con cũng vậy phải không con trai ?




HQ


https://www.youtube.com/watch?v=AOzajW6yerQ

Comments

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?

Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?