Trời chưa nóng...

.
Trời chưa nóng lắm, Chính quyền chủ trương dẹp hết mái hiên di động để làm đẹp bộ mặt thành phố. Họ chọn Hào Nam làm một trong những tuyến phố thí điểm, cảnh sát đi từng nhà phát tờ rơi yêu cầu các chủ hộ kinh doanh tự hạ mái hiên xuống, nếu không, chính quyền sẽ cho người đi dỡ.

Đường Hào Nam đã xây dựng được hơn 15 năm, đường nắng chang chang, đến mùa hè là biết nhau ngay. Cây cối mọc bên đường phần lớn là tự phát, lún phún, dúm dó như vừa bị bão. Người dân nóng quá đành bỏ tiền ra làm mái hiên di động nhưng chính quyền yêu cầu dẹp.

Tôi đứng ra xa, nhìn ngắm cửa hàng của mình, nhìn các mái hiên xung quanh và nhận ra rằng, nếu mọi người không thỉnh thoảng hạ mái hiên xuống, rửa sạch, căn chỉnh, thay thế thì nhìn nó rất xấu. Tự đánh giá mái hiên nhà mình có 2 cái, một cái được 6 điểm (thang điểm 10/10), một cái mới lắp chắc được 7,8 điểm (cũng thang điểm 10/10).

Vài hôm sau, lực lượng xuất hiện bao gồm vài đồng chí dân phòng (tức đội chỉ đâu đánh đấy) làm nhiệm vụ dỡ mái hiên, vài đồng chí công an phường, vài đồng chí trong Quận, một đồng chí nhìn giống như của Đoàn thanh niên (cánh tay phải của Đảng).
Làm nhiệm vụ dỡ mái hiên đương nhiên là lực lượng "chỉ đâu đánh đấy" (tức dân phòng), còn các đồng chí kia thì làm công tác tư tưởng và chỉ trỏ ra lệnh.

Tôi hỏi đồng chí Cảnh sát là liệu cái mái hiên (7,8 điểm) nhà tôi có phải tháo không.

Đồng chí bảo:

- Có anh ạ.

Tôi nói (theo sách) là chủ trương thì đúng, tôi thấy nhiều mái hiên cũ nát nhìn mất mỹ quan lắm, nhưng con đường này đã làm hơn 15 năm, có thấy cây cối cho ra hồn đâu (ai không tin, ra thăm phố Hào Nam vào mùa hè sẽ biết). Nóng quá, dân làm mái hiên, cái nào cũ nát quá thì yêu cầu thay thế, những cái còn đẹp nó có mất mỹ quan đâu, chú ra xa thử coi xem.

Chú bảo chủ trương rót từ trên xuống, mấy hôm nữa, người ta đi kiểm tra, thấy còn là bọn em ăn đòn, có chú còn rỉ tai:

- Anh cứ tháo xuống, để qua đợt này rồi lắp.

Nghe cũng phải nên hò hét nhân viên tháo luôn.

Tối ngồi uống bia, nói với cậu em:
 - Nếu anh là chính quyền, anh sẽ yêu cầu các mái hiên cũ nát tháo, sửa chữa, rửa sạch, mà trong văn bản cũng yêu cầu tháo các mái hiên cũ, nhưng lực lượng thực thi thì sợ trên nên tốt nhất yêu cầu nhân dân tháo hết cho lành, đỡ bị ...'ăn đòn'.

Người thực thi thì làm như cái máy, sợ trách nhiệm, văn bản thì cần rõ ràng hơn để người thực thi... đỡ sợ, nhân dân thì cam chịu quen rồi, "kệ cụ nó, khi nào nó đi thì ta lại lắp"...., tiếng Việt gọi là "cù nhầy" (theo tratu.vn thì Cù nhầy là cố ý kéo dài thời gian, dây dưa lằng nhằng, không thực hiện việc mình phải làm đối với người khác).

Thế đấy ! Thế mới biết lãnh đạo Việt Nam khó thế !

Đấy là chuyện nhỏ, chuyện lớn thì sao:


CHẶT CÂY !

Việc mà Chính quyền Thành phố làm không thể ngửi được.
Nhân dân hi vọng cuối cùng vào Thanh tra Chính phủ, thế rồi mới hôm qua, Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ lại tuyên bố dự án thay cây là đúng (Báo chí dùng cụm từ "chặt hạ" là không chuẩn - VOV).


Hết thuốc !

Có lẽ hơn 90 % dân bây giờ không tin việc Chính quyền làm nữa. Kẻ cơ hội, không có tài... có quá nhiều trong bộ máy. Chính quyền phải dựa vào quân đội và cảnh sát để tồn tại. Một ngày không xa, nhiều người sẽ cùng nhau không hợp tác với Chính quyền nữa, lúc nào đó, lực lượng cảnh sát cũng không cản được sự tức giận, mất lòng tin của người dân, Chính quyền sẽ phải dùng đến quân đội giống như Thiên An Môn...

Nhưng cũng lưu ý rằng lính tráng là con cháu của nhân dân, đôi khi, chưa chắc họ đã thuộc về Chính quyền. Nếu Chính quyền đòi đàn áp cha mẹ, vợ con họ.., lúc đó, cảnh sát chẳng là cái gì, đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đứt phừn phựt, chức càng to càng dễ bị đổ tội, càng dễ bị đem ra làm vật tế thần.

Hãy để ý người Nghệ An, Hà Tĩnh quê hương của Cách mạng.
Anh Hai Sài gòn cũng không nên coi thường, đa số bây giờ, họ không thích Cộng sản đâu, khổ nhiều rồi, ăn bụi, nằm bờ, xe ôm, ba gác, ô nhiễm.., nói chung, họ rất bất cần.

Hôm nay, hai cẩu tặc vừa bị dân làng đánh chết ở Phú Thọ, dân Việt nam hoàn toàn không hiền như nhiều người vẫn tưởng, nhiều khi, họ rất man rợ (hai cẩu tặc - Phú Thọ).

Tôi lo cho ngày đó vì có thể sẽ hỗn loạn, mọi người không chịu làm việc của mình, nông dân không trồng lúa, nhà máy không sản xuất, mấy thằng bán đàn như tôi thì rủ nhau đi biểu tình, mấy anh xe ôm gọi không đi, taxi thì đình công...

Nếu thế thì tôi cũng đứt phừn phựt bởi chẳng có gì mà ăn, và họ sẽ treo cổ một loạt lũ không phải là người lên, mà không loại trừ khả năng trong cơn điên loạn, họ có thể sẽ treo cổ nhầm rất nhiều người.

Tôi cũng tin là mấy thằng chủ trương chặt cây sẽ khó thoát và có thể họ sẽ giết nhầm một số người khác nữa.

Và đương nhiên là tôi không thích bạo loạn vì tôi luôn muốn thằng nào làm việc thằng đấy cho tốt, nhưng với tình hình này mà không thay đổi thì tôi sợ là các cụ không ổn được lâu.

Nhiều lần, tôi đã có ý định..."phản quốc", trốn đi nước ngoài để một ngày biến thành "Việt kiều yêu nước", nhưng run rủi thế nào, mãi tôi không làm được (hoặc không muốn làm) vì muốn sống cho ra hồn, làm được những việc mình mong muốn. Tôi nghĩ vậy vì kiểu như tôi mà ra nước ngoài thì chỉ có đi rửa bát thuê kiếm ăn)

Vì sao?

Như nhiều người Việt Nam khác, tôi sinh ra ở đây, mảnh đất này nuôi tôi lớn, được (bị) học dưới mái trường Xã hội Chủ nghĩa, được nhồi sọ tương đối nhiều những điều vớ vẫn nên thực sự mà nói, sức cùng, lực kiệt, nay đã khá già nên không đủ sức đánh đu với lũ trẻ nữa.

Chẳng phải riêng tôi, với kiến thức hải ngoại tương đối nhiều đắng cay của mình, tôi biết với "tài hèn" tôi đang có, nếu ra nước ngoài, chắc chắn sẽ đi... rửa bát, những người xung quanh tôi như bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, thằng bán đàn, loanh quanh ra nước ngoài mà vào những nước văn minh thì cũng sẽ chuyển sang nghề... cửu vạn hoặc rửa bát thôi.

Nếu họ không muốn như vậy thì phải bắt đầu một quá trình đào tạo mới nếu họ còn sức.

Tôi không trẻ nữa nên không mơ mộng điều đó.

Tóm lại, xung quanh tôi có nhiều người vô dụng như tôi nhưng lại tưởng mình..."có dụng" (tức có tác dụng rửa bát).

Mỗi lần tôi đi ra đường, có lẽ là rất rất ít khi, tôi có cảm giác được ai đó nhường đường. Mà cũng phải thôi, xe cấp cứu họ còn không nhường, huống chi cái thằng nhìn còn tương đối khỏe mạnh như tôi.
Nói thêm chút nữa, văn hóa giao thông là không phải ra đường là tranh nhau đi, bạn phải biết lúc nào nên đi, đi nhanh để không ùn tắc, cản trở người khác, lúc nào nên đi chậm và đặc biệt là lúc nào phải nhường.

Ngay cả những lúc phải chờ đèn đỏ, những lúc ùn tắc, không thể nhích được, tôi muốn đi bộ qua đường, người ta cũng lao lên và không muốn nhường mặc dù lúc đó, bản thân họ cũng không thể đi được.

Đó là văn hóa lùn.

Bố tôi ở nhà gặp bạn đến chơi còn "chém" là Việt Nam không phải có 4 ngàn năm Văn hiến mà có những mười mấy ngàn năm cơ.
Tôi cố gắng nuốt vội bát cơm rồi leo lên gác ngủ để khỏi phải nghe chuyện của bố.

Bim Bim Bim, tiếng còi ô tô làm tôi tỉnh giấc.
Lại mấy thằng bấm còi.
Họ ngồi trên xe bạc tỉ, rất bảnh chọe trên công nghệ, trên văn minh nhân loại, nhưng từ ông xe ôm, đồng chí lái taxi đến các quan chức, nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà buôn..., rất nhiều người trong số họ, bất kể họ đi xe gì, lên xe là bấm còi inh ỏi.
Ở trong một đất nước mà cái đinh làm chưa ra hồn, trong khi đó lại có Trung tâm nghiên cứu Vũ trụ thì việc não bộ của họ chưa theo kịp với những cái tôi gọi tạm là "cỗ máy của sự văn minh" hay công nghệ mà ngày xưa, ông cha ta gọi là cái "bình bịch" là điều không khó hiểu lắm (vì xe máy nó nổ kêu bình bịch).

Song, tai nạn ở dưới mặt trời là nhiều người trong số họ vẫn nghĩ rằng họ là "đỉnh cao trí tuệ loài người".

Lãnh đạo một dân tộc như thế quả thật là khó.
Và cũng vì vậy, tôi hoàn toàn không thích bạo loạn, muốn thay đổi trong bình yên, ai làm việc đó, tạm thời thiếu đâu thì vẫn cứ ODA mà xài, dần dần, người dân có ý thức hơn, học được nhiều hơn, xóa bỏ được những quan điểm sai lầm, cuộc sống sẽ khá hơn, môi trường sống sẽ tốt hơn.

Nhưng Đảng không thể không thay đổi, nếu không, chắc chắn, Đảng sẽ bị tiêu diệt, chỉ khi nào mà thôi.

Càng muộn càng dở, chúng nó sẽ càng căm phẫn.

Ý tôi nói là những người khốn khổ, mà những người như thế rất đông, không phải là những người may mắn như tôi và bạn (ngược lại, lại không nhiều).

Mấy ngày qua, tôi có mấy điều luôn cầu nguyện:

  "Xin cho cha mẹ, anh em, vợ con được an bình.
  Xin cho đất nước được bình an bởi Chúa và những người con sáng suốt !"


Chỉ muốn nói vậy.

Mệt rồi ! Chúc ngủ ngon !

Nhớ đến lời Chúa:







Hà nội ngày 16/4/2015  (Một ngày sau hạn cuối cùng Lãnh đạo Thành phố Hà nội, trái tim của cả nước, phải trả lời về việc  chặt cây).

Comments

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?

Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?