Nghĩ gì về bài viết của ông Trung Hiếu và cuộc chiến đánh Pháp và Mỹ

 .

Wiki viết câu này đã lâu:
"Nhiều nhà giáo dục thấy rằng Kinh Thánh Ki-tô giáo đã ăn rễ vững chắc vào văn hoá phương Tây đến nỗi bất cứ ai, dù có niềm tin hay không, nếu không quen thuộc với các giá trị và giáo huấn của Kinh Thánh sẽ trở nên dốt nát về văn hoá".

Wikipedia

Trong sách Mathi ơ đoạn 7 câu 3 có viết:

“Ngươi thấy được cái dằm nơi mắt anh em, còn cái xà nơi mắt mình thì lại không thấy".

Người Việt có câu: "Nói người không nghĩ tới thân, người ta nói đến thì đần mặt ra".

Một nền văn hóa mạnh không chỉ gây ảnh hưởng mạnh đến văn hóa khác mà còn biết tiếp thu tinh hoa, chấp nhận cái khác biệt của văn hóa khác.

Có lần tôi hỏi một người Mỹ rằng bà có thể cho tôi lời khuyên là con tôi nên học chương trình văn hóa nào trong rừng internet. Bà ta nói rằng mỗi người một khác, nếu bà là tôi, bà sẽ chọn chương trình A, B, C nào đó. Bà không bảo tôi phải làm cái nọ, phải làm cái kia, không áp đặt...

Thế giới muôn màu, mỗi người một khác, không ai giống nhau hoàn toàn.

Đọc bài "Chính nghĩa không thuộc về chế độ Việt Nam Cộng Hòa" do tác giả Trung Hiếu viết ta thấy mở đầu ca ngợi chúng ta... chiến thắng, chúng ta... vĩ đại bởi Điện Biên Phủ, bởi chiến thắng giặc Mỹ  "đã giúp non sông thu về một mối"...

Về phía bên kia, tác giả dùng từ "thế lực hắc ám", thể chế Việt Nam Cộng hòa và "công cụ bạo lực" của nó là "Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa"...

Người tinh ý một chút sẽ hiểu ngay rằng, chế độ của chúng ta hôm nay đang tồn tại nhờ công cụ gì?
Một số bạn học cùng lứa với tôi bây giờ rất nhiều bạn là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt nam.
Tôi chơi với chúng từ bé, tôi không bao giờ nghĩ rằng chúng tin vào Chủ nghĩa Marx thực sự.

Đồng ý với tác giả là "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập một cách chính danh trên toàn lãnh thổ Việt Nam vào năm 1945"  và được ủng hộ của đa số người dân.

Song cũng đừng quên rằng số đông không phải lúc nào cũng đúng, một Đảng, một Chính phủ được tung hô của một đám đông nào đó là đại diện cho đám đông đó, chỉ đơn thuần là đại diện của họ, chưa chắc đã đại diện cho chân lý.

Lịch sử thế giới đã có rất nhiều đám đông sai lầm và ngày hôm nay cũng vậy, có những đám đông và đại diện của chúng cũng rất nguy hiểm.


Đọc bài viết "Bàn về tên gọi cuộc chiến hai miền vừa qua" của tác giả Nguyễn Thanh Giang để biết qua về bối cảnh lúc đó của ông Hồ Chí Minh:

"Hồ Chí Minh không hề coi Pháp là kẻ thù. Ngày 6 tháng 7 năm 1911, tại Marseilles, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư đến Tổng thống Pháp, xin được nhập học vào Trường Thuộc địa (École Coloniale), với mong muốn được 'giúp ích cho Pháp'.
Ngày 16 tháng 2 năm 1946, Hồ Chí Minh cùng ông Hoàng Minh Giám đã bí mật gặp Sainteny tại Hà Nội cho biết ông đang chuẩn bị thương lượng trên nền tảng làm thành viên của Liên Hiệp Pháp. Trước đó tướng Leclerc cũng từng thông báo rằng ông ta được nghe HCM nói bằng lòng rằng Việt Nam không càn độc lập.
Chiều ngày mồng 6 tháng 3 năm 1946 Hiệp định Sơ bộ đã được ký kết giữa chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Hông Khanh và đại sứ Pháp Sainteny tại căn nhà số 38 phố Lý Thái Tổ, Hà Nội, chấp nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nằm trong Liên Hiệp Pháp.

Trong khoảng thời gian này cụ Hồ tranh thủ gặp các nhà báo Pháp để trả lời khoảng 10 cuộc phỏng bày tỏ rằng Việt Nam' không muốn phá vỡ những mối quan hệ đã gắn bó chặt chẽ giữa hai dân tộc', Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận người Pháp như là bạn, chứ không phải là thù.

Trong Hiệp định 6 tháng 3 có điều khỏan 'Chính phủ Việt Nam cam kết thân thiện đón tiếp quân đội Pháp vào Việt Nam theo các Hiệp định quốc tế'.
Hiệp định 6/3 được ký kết khi nước Pháp đang do thủ tướng Felix Gouin (Đảng Xã Hội) và phó thủ tướng Maurice Thorez (Đảng Cộng Sản) lãnh đạo. Điều này bảo đảm rằng chính phủ Hồ Chí Minh sẽ được thừa nhận.
Hiệp định Sơ bộ 6 tháng 3 không được thực hiện, cụ Hồ dấy lên cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ khi Đảng Xã hội Pháp và Đảng Cộng sản Pháp không còn nắm được chính quyền, trong khi nhiều thế lực chính trị ở Việt Nam lúc ấy có khả năng được Pháp thừa nhận như Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Việt Nam Quốc dân Đảng…".

Rồi ta đọc tiếp hồi ký của ông Trần Trọng Kim:

Hãy đọc đoạn sau trong hồi ký “Một cơn gió bụi” của Trần Trọng Kim liên quan đến việc đánh Pháp:

“ …tôi bảo ông Phan Kế Toại đi tìm một vài người Việt Minh đến nói chuyện, vì lúc ấy tôi còn tưởng đảng Việt Minh dù theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng chắc cũng nghĩ đến tương lai nước nhà. Hôm sau ông Toại đưa một thiếu niên Việt Minh đến, tôi nói: - Chúng tôi ra làm việc chỉ vì nước mà thôi, chứ không có ý cầu danh lợi gì cả, tôi chắc đảng của các ông cũng vì nước mà hành động. Nếu vậy chúng ta tuy đi con đường khác nhau, nhưng cũng cùng một mục đích như nhau, các ông thử xem ta có thể hợp tác với nhau, kẻ ở trong người ở ngoài để cứu nước được không? ".

Người ấy nói: – Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trình nhất định để đem nước đến chỗ hoàn toàn độc lập. Chúng tôi có thể làm lấy được.

- Sự mưu cầu cho nước được độc lập cũng là mục đích của chúng tôi nhưng vì đi đường thẳng có nhiều sự khó khăn, nên chúng tôi phải uyển khúc mà đi từ từ có lẽ chắc chắn hơn.

- Chúng tôi chỉ có một con đường thẳng để đi đến hoàn toàn độc lập chứ không có hai.

- Theo như ý của các ông như thế, tôi sợ rất hại cho dân, mà chưa chắc đã thành công được.

- Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù trong nước mười phần chết chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại còn hơn với chín phần kia.

Rồi người ấy đọc một bài hình như đã học thuộc lòng để kể những công việc của đảng Việt Minh. Tôi thấy thái độ người ấy như thế tôi biết không thể lấy nghĩa lý nói chuyện được.

Tôi nói: - Nếu các ông chắc lấy được quyền độc lập cho nước nhà, các ông vào chính phủ làm việc, cần gì phải đánh phá cho khổ dân?

- Chúng tôi sẽ cướp quyền để tỏ cho cả nước đồng minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu nhường cho ai.

Đủ thấy rằng người ta đánh Pháp chủ yếu không phải vì nhất thiết phải đuổi Pháp mà để 'cướp lấy chính quyền' giữa những người Việt Nam!

Nên nhớ rằng báo chí và các văn liệu của Đảng luôn luôn nói rằng người Pháp đã phá không cho thực hiện Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng 3, và Tạm ước 14 tháng 9 chứ không phải Việt Minh. Điều đó chứng tỏ cụ Hồ vẫn trung thành với ước nguyện được nằm trong Khối Liên Hiệp Pháp.



Một lần nữa, tôi đồng ý với tác giả Trung Hiếu rằng  "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập một cách chính danh trên toàn lãnh thổ Việt Nam vào năm 1945", đại diện cho số đông ủng hộ, nhưng số đông đó có thực sự khôn ngoan hay không thì tôi chưa dám nói.

Ai biết hơn, xin cho biết thông tin,  cũng xin đừng đao to búa lớn theo kiểu đây là nhà nước Cộng sản, mày ở trong rọ, mày phải nghe tao.
Nên nhớ rằng, nếu bạn đang ở Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, bạn hô to bạn là vô thần, là phật tử, có thể họ sẽ chặt đầu bạn.
Đừng nghĩ theo kiểu tất cả những kẻ không giống bạn đều là kẻ thù và hùa theo đám đông ở xung quanh bạn.


Về cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi đồng ý một phần với ông Thanh Giang rằng

"Dan díu với cuộc chiến Việt Nam là sai lầm của Mỹ. Song, cũng thật tai hại khi Hồ Chí Minh ngoắc Chủ nghĩa Cộng sản vào vấn đề dân tộc Việt Nam. Sao lại bắt trẻ con cũng phải yêu Chủ nghĩa Xã hội? Sao lại đưa xe tăng Liên Xô và ùn ùn chở súng đạn Trung Quốc vượt sông Bến Hải? …".

Tôi cũng đồng ý với tác giả Trung Hiếu rằng:

"...sau năm 1954 nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dù đang trên thế thắng về mặt quân sự (với trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu) vẫn chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử sòng phẳng trên tinh thần hòa hợp để thống nhất đất nước đang tạm thời bị chia cắt. Tuy nhiên cả phía Mỹ và cái gọi là Việt Nam Cộng hòa đều kiên quyết từ chối thiện chí đó!".

và tôi cũng đồng ý rằng:

"Thời đó, người Mỹ và phe cánh của ông Diệm lo sợ uy tín to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Đảng Lao động Việt Nam và tin rằng nếu tiến hành bầu cử tự do, Hồ Chí Minh sẽ giành được tới 80% số phiếu"

Ông Diệm và người Mỹ biết rất rõ đa số người Việt lúc đó ủng hộ Hồ Chí Minh nên phải tìm cách khác để giữ Chính quyền và đã dùng "mưu hèn kế bẩn" (theo cách dùng của tác giả).

Bạn có tin chắc rằng hôm nay, năm 2015, số đông người Việt nam vẫn tin vào sự lãnh đạo "sáng suốt" của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nếu câu trả lời là KHÔNG thì các bạn giữ chính quyền bằng cách nào?


Tác giả Trung Hiếu viết tiếp:

"Sau khi đã củng cố vững chắc chính quyền, Ngô Đình Diệm đã cho tiến hành 'cải cách điền địa' với nội dung ngược với 'cải cách ruộng đất' (mục tiêu dân cày có ruộng) mà cách mạng đã tiến hành trước đó. Với 'cải cách điền địa', ông Diệm đã tước đoạt đất đai của nông dân và khôi phục lại giai cấp địa chủ, tạo thêm chỗ dựa xã hội cho chế độ. Cho nên, sau này dù có mị dân đến mấy, chính quyền này cũng không giành được sự ủng hộ ở nông thôn.
Về bản chất chính trị, 'Việt Nam Cộng hòa' đại diện cho các tầng lớp tư sản mại bản và phong kiến thân Mỹ"

Vậy tác giả nghĩ gì về câu "Cha chung không ai khóc", các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ, nền kinh tế thị trường, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, sai lầm của cải cách ruộng đất và sự lụi tàn của Chủ nghĩa Marx mà ngay cả người anh em thân tín nhất của ta bên kia bán cầu hôm nay đang có xu hướng ...."bỏ gác" ?
Tác giả dường như vẫn bị những học thuyết Marx ám ảnh như "đại diện cho các tầng lớp tư sản mại bản và phong kiến thân Mỹ".

Đọc tiếp tác giả Trung Hiếu, ta thấy:

"Theo thời gian, chính thể Việt Nam Cộng hòa ngày càng thối nát với tệ nạn tham nhũng, các cuộc đấu đá nội bộ và các cuộc đảo chính quân sự. Chế độ này không đại diện cho dân tộc và trên thực tế đã bị nhân dân và lịch sử quay lưng lại".

Tác giả nghĩ sao khi câu trên ta bỏ chữ "đảo chính quân sự" vì việc đó chưa xảy ra ở chế độ này, nhưng lấy những câu còn lại áp dụng luôn để miêu tả chế độ ta hiện nay ?

Tác giả Trung Hiếu lại viết:

"Với bản chất đánh thuê (và cả chết thuê nữa), quân đội Sài Gòn hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ, thiếu lý tưởng, không thể đại diện cho dân tộc Việt Nam và cũng không thể kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc. Đến khi Mỹ rút viện trợ và ngưng yểm trợ thì quân đội này (cùng với chính thể Việt Nam Cộng hòa) suy sụp.nhanh chóng, không còn biết 'đánh đấm gì nữa', chẳng khác nào 'bệnh nhân bị rút ống thở' .
Trong đợt tổng công kích của quân giải phóng năm 1972, quân ngụy Sài Gòn trụ vững được phần lớn là nhờ Hoa Kỳ đã yểm hộ tối đa cho họ bằng phi pháo và oanh tạc cơ chiến lược B-52. Đến năm 1975, khi bị người Mỹ bỏ rơi thì họ đã không thể chống đỡ nổi các đòn tiến công dũng mãnh của quân giải phóng.".

Tác giả có bao giờ nghĩ rằng nếu Mỹ không bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa như cách dùng của tác giả, liệu miền Bắc có đánh nổi Việt Nam Cộng hòa hay không, khi nào và sẽ đổ bao nhiêu máu? Và lúc đó, Bắc Việt vẫn được viện trợ vũ khí và lương thực từ Trung Quốc.

Kết thúc bài viết, tác giả Trung Hiếu cho rằng:

"Trước giờ cáo chung, ngụy quyền còn tuyên truyền quân giải phóng sẽ dìm Sài Gòn trong biển máu. Nhưng cuối cùng thì không có cuộc tắm máu nào như thế cả. Ngược lại, những người hạ vũ khí về với nhân dân đã nhận được sự khoan hồng của cách mạng. Các hình ảnh do chính phóng viên ảnh và quay phim nước ngoài ghi lại đã cho thấy quần chúng hồ hởi đón chào quân giải phóng đến nhường nào trong trưa 30/4/1975 tại Sài Gòn."

Vậy, tác giả nghĩ gì khi năm 2001, Orange County Register đăng một loạt bài về cuộc đời của những người từng sống trong trại cải tạo của Việt nam. Kết quả tìm hiểu của tờ báo từ 1975 đến năm 2001 cho biết ước tính một triệu người bị giam giữ mà không có cáo buộc chính thức hay được xét xử, và 165 ngàn người đã chết.
Loạt bài này được đăng ở đây: http://dartcenter.org/content/camp-z30-d-survivors#.VUnNeDcazCR

Bạn nhìn thấy hai nhóm người đánh nhau, bạn phải nghe "2 tai", đừng nghe một phía.

Và tác giả cùng tôi quay lại bài viết của ông Nguyễn Thanh Giang (được cho là trên báo lề trái)  "Bàn về tên gọi cuộc chiến hai miền vừa qua" khi ông viết:

"Tại sao lại cứ phải là Hồ Chí Minh với ĐCSVN thống trị toàn đất nước, nếu không thì đốt cháy cả dải Trường Sơn đi, giết hết chín phần mười dân tộc đi. Ghê sợ thật. Dã man quá! Tàn bạo quá!".

Tác giả cũng cùng tôi chịu khó đến với bài viết của người lính, nhà văn Nguyễn Văn Thọ (được cho là đăng trên báo lề phải) có tên là "Vì sao phải thù hận" :

"Tôi không có ân oán gì về cá nhân với anh em binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa cả, nhưng chúng tôi, những con người tường các quy luật của chiến tranh, cả sử nước nhà và lịch sử thế giới, ý thức rất rõ và cụ thể từng trận chiến rằng: Chiến tranh chỉ chấm dứt khi có một bên thắng bên thua, vì đất nước Việt Nam không thể chia cắt. Do vậy, tôi và bao người đã chiến đấu cho cánh quân bên chúng tôi - bộ đội miền Bắc, tới giọt máu, tới sức lực cuối cùng, nhằm chiến thắng để chấm dứt chiến tranh chứ không phải giải quyết thù hận. Ngày 30/4/1975, trước khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, hàng vạn vạn binh sĩ chúng tôi đều muốn sống, cầu nguyện được là kẻ sống sót cuối cùng sau cuộc chiến; song không ai bảo đảm rằng, họ có thể chắc chắn sẽ còn lại trong trận chiến cuối ấy."

Đây là một trong những lý do tôi cho rằng người Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa là đúng bởi sự can thiệp của Mỹ ở Miền Nam Việt Nam là sai lầm và đến lúc nào đó nên dừng lại bởi máu đã đổ quá nhiều.
Tôi cũng cho rằng một nền dân chủ thực sự không thể áp dụng vào một nơi mà số đông người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của nền dân chủ đó, vẫn đi theo sự xúi dục vô tình hay cố ý của một nhóm người.

Nước Nga của Cộng sản dù có vẻ áp dụng một nền dân chủ sau khi sụp đổ, nhưng về cơ bản, nó vẫn là nước Nga đối nghịch với phương Tây.


Về vấn đề khác, ông Nguyễn Thanh Giang viết trong báo lề trái:

"Tuyệt đại đa số người Việt Nam đã ở bên này hay bên kia sông Bến Hải, dù đã từng ôm súng xông lên hàng đầu trong hai trận tuyến đều là những người rất đáng thương, đáng quý. Khi xả súng quyết liệt về phía đối phương họ đều cho rằng họ đang chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì nghĩa vụ cao cả đối với nhân dân, vì lý tưởng thiêng liêng với tổ quốc. Oái oăm ở chỗ người càng biết sống vì lý tưởng, càng nồng nàn yêu nước thì càng dũng mãnh xông lên, càng sắt máu và càng có hành động đáng phải hối hận hơn. Người tiến lên dưới Ngọn cờ Đỏ Sao Vàng thì đinh ninh rằng họ đang xả thân đánh đuổi giặc Mỹ, giữ lấy Miền Nam. Người xông tới dưới Ngọn cờ Vàng Ba Sọc thì đinh ninh rằng họ đang dũng cảm Chống Cộng vì nền Cộng hòa, vì lý tưởng tự do. Tất cả họ đều chân thành, đều đáng tôn vinh. Chín mươi chin phần trăm người Việt Nam đều trong số đó, kể cả các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa, kể cả các đảng viên ĐCSVN, cả Trần Độ, Nguyễn Hộ, Võ Văn Kiệt… Tất cả họ đều trong sáng!"


Nhà văn Nguyễn Văn Thọ thì viết:

"Cho tới hôm nay khi ngồi viết những dòng này tôi nhận ra, cuộc chiến ở Việt Nam đã gây ra một vết thương rất sâu và rất dài cho dân tộc Việt Nam. Hàng triệu người dân đã bỏ mình. Hàng triệu gia đình đã mất cha, mất chồng và mất con trên trận mạc. Cũng do chiến tranh để lại, hàng triệu người đã bỏ nước ra đi, ly tán và mất mát đau khổ trên biển xanh, trong rừng rậm, để lại một vết hận không nhỏ trong một bộ phận không nhỏ những gia đình phía chiến tuyến bên kia. Đó là niềm đau vô cùng lớn không chỉ riêng ai khi họ còn yêu đất nước.

Sự mất mát của thế hệ chúng tôi cả hai bên, sự mất mát của cả dân tộc tới ngày 30/4 khi đất nước yên súng, giang sơn thu về một cõi là sự đòi hỏi tất yếu của lịch sử, của dân tộc nhưng đó cũng đã phải trả với giá quá đắt. Và một câu hỏi luôn luôn làm tôi đau nhức là tại sao cứ phải căm thù khi tất cả đều là nòi giống Việt, khi mà xu hướng chung của nhân loại tiến bộ là hòa bình cho tất cả các dân tộc, cởi bỏ tất cả nỗi niềm và xóa đi đau đớn giận hờn với chính nỗ lực của từng con người chúng ta.

Rồi đây thế hệ chúng tôi cả hai phía sẽ theo quy luật sinh bệnh lão tử, rồi đây đất nước này dành cho và chỉ là cho các thế hệ sau chúng tôi; chúng không liên quan gì tới những hận thù trận mạc bấy nay và cười diễu cha anh nếu còn cố chấp."

Đấy là báo lề phải viết đấy tác giả Trung Hiếu nhé !


Áp dụng cho những gì tác giả Trung Hiếu trải nghiệm, được học và với góc nhìn của tác giả, có thể tác giả đúng, nhưng trên góc nhìn khác, có thể có nhiều người cho rằng ông Trung Hiếu, tác giả bài viết "Chính nghĩa không thuộc về chế độ Việt Nam Cộng Hòa" chỉ nhìn vấn để qua lăng kính của chính tác giả mà thôi.




Hà nội ngày 6/5/2015


Comments

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?

Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?