Lối tư duy, phong cách chơi, sống và viết

.

Vừa rồi, tình cờ, tôi có đọc một vài bài viết trên facebook của 2 người tôi cho là đặc biệt. Mỗi bài viết của họ lên đến hàng mấy ngàn người like, có những bài viết được đến hàng chục ngàn like.  Hẳn người ta nghĩ đây phải là những tri thức đại tài, những vĩ nhân vì thông thường, người ta viết, được vài chục, vài trăm người like hoặc ngàn like đã là oai lắm. Tôi ngạc nhiên và đọc một số bài của họ.
Người thích, bình luận cũng nhiều, nhưng đa số là những người dùng từ một cách bỗ bã, tất cả những từ ngữ được tránh trên những văn bản nghiêm túc đều được dùng "rộng rãi" trong những bình luận .

Có lẽ một vài lần, tôi cũng đọc những stt được chia sẻ của họ và có chia sẻ lại vì cách viết lưu loát, văn phong hóm hỉnh, thể hiện một người được đào tạo, chịu khó học hỏi...

Tuy nhiên, một người chịu khó học hỏi, có kiến thức nhất định, chưa chắc đã phải là một người khôn ngoan.

Cũng là người đi nhiều nơi trên thế giới, đã được lưu lại ở nơi gọi là thế giới văn minh hơn chục năm, sống và làm việc cùng họ, điều cảm nhận khi về Việt nam là tôi thấy dân tộc ta kém phát triển về nhiều mặt, trong đó có trình độ nhận thức của người dân.

Điều đó không có gì là vui, tuy nhiên, nếu ta được sinh ra trong hoàn cảnh giống như họ, không được đào tạo, dạy dỗ đúng cách, không được đi đó đây để nhìn thế giới, thử hỏi, liệu ta có hơn những người dân ấy?
Có thể chúng ta đã có những cố gắng, nhưng sinh ra trên đời, mỗi người một thân phận, một cơ thể, một hoàn cảnh, liệu chúng ta có đi hết cuộc đời người ta để hiểu hết những gì xảy ra đối với họ để thực sự hiểu họ hay không?

Tôi không cho rằng số đông luôn khôn, nhưng luôn cho rằng số đông là bầy cừu, là ngu dốt, là đáng khinh... thì tôi không đồng tình.

Khi tìm hiều những bài viết của 2 người đặc biệt tôi kể trên để hiểu tại sao nhiều người thích đến vậy, tôi thấy có điều lặp lại là rất nhiều các bài viết của họ hay đi ngược lại dư luận xã hội đang quan tâm, gây tranh cãi gay gắn ở những người tham gia, nhục mạ, đòi chém giết nhau cũng có... Ví dụ điển hình là vụ Formosa, họ đứng ra lập luận rằng việc đó là bình thường, các nước phát triển cũng vậy, đã có giai đoạn như thế, thiên nhiên sẽ có khả năng tự phục hồi..; khi đoàn xe của Thủ tướng Phúc vào phố cổ Hội An, người ta nhao nhao phản đối thì họ đứng ra bênh vực đoàn xe và Thủ tướng; trong khi người dân đói khổ, nợ công lên cao, chính phủ xây tượng đài HCM, họ ủng hộ;  rồi vụ chở thi thể bằng xe máy gần đây nhất, họ đứng ra chịu búa rìu của dư luận, cho rằng việc đó không có gì là lạ, là bình thường trong hoàn cảnh Việt nam, bệnh viện không có lỗi...

Healthy lifestyle (phong cách sống lành mạnh)

Thế giới phân cực là điều hiển nhiên. Như chúng ta đang thấy: có chiến tranh - hòa bình, có cái xấu - cái tốt, đen - trắng, có điện âm - điện dương, mặt trăng - mặt trời, ngày - đêm, đàn ông - đàn bà, có Nga xô, Trung Quốc - có Mỹ và liên minh Châu  Âu đối trọng, có báo lề phải - báo lề trái, có Chủ nghĩa Cộng sản - có các nền Dân chủ, có người ghét Formosa thì phải có không ít người cho nó là Ok thì nó mới có cơ tồn tại ở Việt nam.

Và cũng vì vậy, việc Thủ tướng Phúc đi vào phố cổ, Formosa hay chở xác trên xe máy phải có một hoặc nhiều người cho là bình thường, thậm chí cho là đúng, là cần thiết thì những việc đó mới xảy ra.

Không biết do chủ ý hay tình cờ, các bài viết của 2 nhân vật đặc biệt kể trên đều tập trung đi ngược lại dư luận xã hội, đặc biệt là dư luận của những người có tư tưởng thân Mỹ - Phương Tây, gọi họ là "đám dân chủ", và không tiếc lời xỉ vả họ bằng những ngôn từ khó nghe.

Tôi không nói tất cả các dư luận xã hội đều đúng, nhưng "không có lửa thì không có khói". Các bài viết của 2 nhân vật này mới đọc thấy sắc sảo, kiến thức được chắt lọc, ngôn ngữ hóm hỉnh, đôi khi hơi bậy một cách có duyên, dễ làm người đọc lôi cuốn nhưng khi tìm hiểu, phân tích kỹ, ta thường thấy nó không đi được đến ngọn nguồn của từng vấn đề, vẫn thể hiện nhìn vấn đề trên phương diện chủ quan, vì nếu tôi không nhầm thì 2 người này còn tỏ ra một cách có chủ ý để hài hước (hoặc có thể họ nghĩ mình thế thật) về kiến thức có một không hai của họ.

Như đã nói, Việt Nam là nước kém phát triển về nhiều mặt, một công dân Việt Nam vượt qua được khó khăn để đến được một nước văn minh nào đó, học hành, được xã hội đó công nhận, dùng đến, thì đó là một vinh hạnh, một hạnh phúc cho họ, và đối với rất nhiều người Việt Nam đang phải sống cuộc sống có rất nhiều vấn đề ở Việt nam, cuộc sống của những người đã "thoát ra" như trên nhiều khi là giấc mơ của nhiều người.

Đối với Việt Nam, họ là những người tạm gọi là thành công "vượt ngục", nhưng trong xã hội văn minh, họ là mắt xích, là một người bình thường, thậm chí hơn cả bình thường trong con mắt của người bản xứ. Họ có thể được coi là "thông minh" trong con mắt của nhiều người Việt Nam tại quê nhà, "thông minh" dưới óc quan sát của một dân tộc kém phát triển, và không phủ nhận, để được như thế, khi họ đã phải trải qua nền giáo dục XHCN (bị nhồi nhét nhiều thứ không cần thiết), quả thật là không dễ; song, tưởng mình là ai, là cái gì đó sáng chói (hoặc giả làm ra mình như thế) theo tôi, đó là sự ngộ nhận hoặc sai về cách tư duy.

Kể cả họ có là tiến sĩ, giáo sư hay gì đi nữa, trong xã hội văn minh, đó là một nghề giống như nhiều nghề khác, kể cả chính trị gia.., họ vẫn bị chỉ trích, đôi khi lên án để họ tiếp tục học hỏi, để trở thành mắt xích quan trọng hơn trong một xã hội mà mỗi người đều có chỗ đứng của mình, tôn trọng lẫn nhau, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, và như thế là sự may mắn, là sự cố gắng của mỗi người, của cộng động, và nếu bạn tin Chúa, đó là ơn phước của Chúa chứ không phải tự coi mình là ai, gọi ai đó là đám nọ, đám kia ngu dốt, "vàng vẩu" (tôi đoán từ này nghĩa là người da vàng, răng vẩu - tức người Việt nam)...

Tôi cũng không loại trừ 2 người đặc biệt kia cố tình gây ra các tranh cãi xã  hội bằng cách đưa ra những quan điểm ngược lại với một trào lưu nào đó để có nhiều like, để nổi tiếng, đôi khi để giải trí vì nếu sống trong một xã hội phát triển, họ chẳng là gì để người bản xứ để ý; cũng không loại trừ họ muốn làm gì đó để mở mang kiến thức phản biện của xã  hội, để xã hội có cái nhìn đa chiều hơn về mỗi vẫn đề, và họ muốn "cống hiến" cái gì đó cho nơi họ sinh ra...

Tuy nhiên, trong một xã hội như kiểu Việt Nam, khi quan chức có quá nhiều vấn đề giống như người dân, khi tìm cách bảo vệ cho một tư duy cũ nát, đôi khi ngu dốt, nhàm chán vì bất cứ lý do gì, tôi cho không phải là một ý hay. Nếu tư duy con người thích làm việc xấu để tồn tại (thực ra, làm việc xấu dễ kiếm tiền hơn việc tốt), và tự cho rằng thế giới là phân cực, việc xấu là tất yếu, chuyện mình làm việc xấu để kiếm tiền cũng là tất yếu, và nếu tư duy theo cách đó thì chúng ta không thể xây dựng một xã hội văn minh mà trong đó cái tốt nhiều hơn cái xấu.

Cũng như trong bản thân mỗi chúng ta, bao giờ cũng có phần "người" và phần "con", nó có thể là tất yếu, nhưng nếu chúng ta để phần "con" lần át phần "người" thì đó không phải là cái đích chúng ta muốn tới cho bản thân, gia đình và xã  hội.

Nếu ai đó lấy cái tạm gọi là qui luật mâu thuẫn của thế giới để bao biện cho hành động xấu của mình vì bất cứ lý do gì tôi cho là không ổn.

Tổng thống Obama đến Việt Nam, ăn bún chả Liên Hương. Quán bún bây giờ có lẽ tên là Bún Chả Obama, người đến đông nghịt, mặc dù bún chả vẫn thế, có phần kém hơn do lượng cầu vượt quá khả năng cung. Nghe nói, chủ quán còn định để riêng bát chén ông Obama ăn, cho vào tủ trưng bày, trong quán bây giờ treo đầy ảnh Obama, nhà tôi hôm qua còn định rủ nhau đến đó ăn cho vui....

Kinh doanh phát đạt chưa từng thấy ở quán Liên Hương.

Trong thế giới phân cực, thử hỏi Putin hay Hồ Cẩm Đào đến đâu đó ăn gì đó xem có thằng nào quan tâm không?
Tôi tin là sẽ có một số người rất "sâu sắc" sẽ đến đó quan sát, có thể ăn ở đó, hoặc có thể làm những phản biện xã hội lớn rằng có Obama thì phải có Putin, Hồ Cẩm Đào, và lấy Hồ Cẩm Đào + Putin ra so sánh với Obama và cho rằng Putin + Hồ Cẩm Đào là những tài năng bất diệt, ca ngợi hết lời 2 vị lãnh tụ của giai cấp vô sản (mặc dù bản thân 2 người này không vô sản).

Và sẽ có rất nhiều like, bình luận nhảy vào đấm đá, chửi bới, phản biện, thành một sân chơi hàng vạn like.
Tôi không biết facebook trả bao nhiêu cho những like đó, nhưng xét về lợi ích xã hội, nó gần về 0, nếu không nói tác hại của nó là đến đâu.

Câu chuyện là anh sống một đời không phải anh kiếm được bao nhiêu tiền mà anh đã làm gì cho mình, gia đình và xã  hội. Tất nhiên tiền cần nhưng một mình nó không đem lại hạnh phúc đích thực.

Tất cả mọi người đều muốn sống trong một xã hội mà mọi người ít nhất phải tôn trọng lẫn nhau dù việc đó thích hay không; khi anh gây những phản biện xã  hội, tranh cãi, chửi bới, văng nọ văng kia, coi đó là thứ văn hóa, tôi không đồng tình.

Âm nhạc có nhạc cổ điển là mẫu mực, là chuẩn hòa âm, nghe rất dễ chịu nhưng nghe mãi nó chán, người ta muốn nghe cái gì dân dã hơn, trần tục hơn, sẽ có nhạc Rock, Pop, Jazz...
Tuy nhiên, ngay cả các trào lưu nhạc đó, nó cũng có nhiều điều phải nói, nếu Jazz đích thực, nó sẽ rất hay, khoa học, hài hòa ngay cả khi mới đầu nghe nó chói tai, dễ tăng huyết áp....

Phản biện theo lối trần tục nó có kiểu của nó, đôi khi rất hay và có duyên, nhưng theo tôi, nó rất dễ bị lạc sang một chiều hướng hoàn toàn không ổn nếu người chơi không tỉnh táo.

Nó như con dao vậy.
Âm nhạc nó cũng vậy, đặc biệt là nhạc Jazz.

Tôi là người được đào tạo âm nhạc cổ điển, được đi thi quốc tế chuyên nghiệp và được sắp xếp thứ hạng trong năm đó.
Âm nhạc cổ điển rất mẫu mực, rất hay, có thể nói là thể dục não khi anh làm gì đó mệt mỏi.
Cái gì chuẩn quá, tiếp xúc nhiều, bỗng nó trở nên nhàm chán. Giờ tôi hầu như không nghe nhạc cổ điển mà thích nhạc Pop, Rock, đặc biệt là Jazz  Jazz hoàn toàn không dễ nghe và nó rất khác lạ.

Pop, Rock hay Jazz có rất nhiều trường phái, nghe rất ngược, chướng tai, nhưng nghe kỹ, nhiều cái rất hay, đừng vội lên án.
Song, không phủ nhận, nhiều thứ trong Pop, Rock hay Jazz nghe rất tệ, có thể nói là nhiều rác rưởi hơn những gì ngay ngắn.

Trước kia, tôi hay dùng Iphone và càng ngày, tôi càng thấy nó hay và luôn thích đời cao nhất để dùng vì tôi thích nó. Đối với tôi, tôi thấy nó hoàn thiện (tất nhiên, trên đời, chẳng có gì là 100% cả).

Một ngày đẹp trời, tôi cảm thấy chán Iphone vì một lý do rất khó nghe: .......bởi vì nó hay quá, làm cho tôi chán, không có gì để khám phá thêm.

Tôi quyết định chuyển sang điện thoại dùng hệ điều hành của Androi như Samsung, Sony...và tôi đã gặp rất nhiều vấn đề khi dùng máy có hệ điều hành này.

Bây giờ, tôi khá quen, và thấy cũng ổn.
Cuộc sống nhiều khi nó cũng thế.



Hà nội 17/9/2016

Comments

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?

Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?