Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?

Tôi học nhạc từ năm 9 tuổi. Bố tôi là giáo viên dạy nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Quốc gia Âm nhạc gì gì đó. Cả 3 anh em tôi đều theo nghề này từ bé.

Em tôi - Đào Nhật Quang - học lớp năng khiếu từ nhỏ tại Liên bang Xô viết cũ. Chắc các bạn cũng biết là trình độ âm nhạc cổ điển của Nga có đẳng cấp rất cao trên thế giới, kể cả các nước tư bản phát triển cũng gửi người tới học. Nghệ sĩ Piano cổ điển xuất sắc nhất thế kỷ 20 - Valadimir Horowit, đã được đào tạo tại Nga. Năm 89, tôi được Nhạc việc Hà Nội và Bộ Văn hóa cử đi thi âm nhạc Quốc tế tổ chức tại Đức. Đại khái, tôi là một loại gà chọi, dùng vào việc thi thố để hi vọng đạt thành tích vì Việt Nam ngày ấy cũng như bây giờ, vẫn chuộng thành tích để đạt mục tiêu cá nhân hay tập thể nào đó. Tất nhiên, ngày đó, tôi làm việc rất nhiều với ý chí quyết tâm rất cao. Kết quả tương đối bất ngờ khi tôi lọt vào vòng 2 của một cuộc thi quốc tế về nhạc cụ của tôi mà trước đó, các bậc cha anh trong Khoa Accordion của tôi đã luôn thất bại, trừ một người có tên Xuân Trung. Ở Klingenthal ngày ấy và cho đến hôm nay, trong ngành của tôi, ngoài tôi và anh Trung, nếu tôi không nhầm, thì có rất ít người Việt lọt vào vòng thi chúng tôi đã đạt được.
(Tôi nhắc lại là trong ngành nhạc cụ của tôi - cây đàn Accordion, chứ không phải violin, piano hay nhạc cụ nào khác).

Tôi là người giỏi giang?
Xin thưa, tôi không giỏi, tôi chỉ là con ong chăm chỉ và cần mẫn.

10 năm sau khi thi Quốc tế, tôi bắt đầu biết đến nhạc Jazz. Với những bài đơn giản, tôi thấy hay, nhưng để hiểu sâu hơn, tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi đã nghĩ những người chơi nhạc Jazz có thể bị điên. Hòa âm của họ rất khó nghe, không thể chịu được. Đôi khi, họ chơi rất to... Vốn là người ham học và có máu ăn thua, tôi cố gắng tìm hiểu. Tôi cũng không hiểu gì nhiều. Và nói thực, cho đến nay, tôi chỉ dám nói là mình có thể hiểu được khoảng 10% về nhạc Jazz.

Tôi tin là các giáo sư, tiến sĩ âm nhạc nước nhà nếu ngồi nghe cổ điển, họ có thể say sưa như rất nhiều những người ngoại đạo đã từng yêu mến các giai điệu của Bach, Bethoven, Mozart, Chopin..; nhưng nếu để nghe, hiểu nhiều về nhạc Jazz và thưởng thức nó, đặc biệt là Jazz hiện đại, tôi e nhiều vị sẽ bỏ về mất.

Jazz là cái gì và tại sao Jazz khó nghe thế?

Vâng, Jazz rất khó !

Có khách hàng mua đàn của tôi và hỏi con họ cần học bao lâu để có thể chơi được. Tôi bảo phải học cả đời. Họ nói là con họ có chơi chuyên nghiệp đâu mà phải học cả đời. Tôi nói là giống như ngoại ngữ, dù có chuyên nghiệp hay không thì con bạn vẫn phải học cả đời vì con bạn sẽ cần âm nhạc giống như cần ngoại ngữ.

Âm nhạc làm cho cuộc sống thêm sắc màu.

Trong ẩm thực, ngọt, bùi, thơm là những cảm giác dễ quen, nhưng đắng, cay, hăng, đôi khi tanh, "thối" là những cảm giác rất khó quen. Nhưng không phải lúc nào ngọt, bùi mới là ngon. Nếu bạn biết ăn ớt, bạn sẽ thấy ngon mặc dù ớt cay, nếu bạn biết ăn nước mắm, mắm tôm, chao.., bạn cũng sẽ thấy ngon. Bản chất của mùi nước mắm, mắm tôm, chao.., theo thói quen của người phương Tây, là thối. Ngày tôi ở Đức, nếu tôi ăn nước mắm, người Đức sống cùng trong nhà sẽ than phiền vì họ ngửi giống mùi chuột chết và họ bảo tôi ăn cá thối. Đó là chưa kể nếu họ thấy tôi ăn mắm tôm thì họ sẽ nghĩ tôi là mọi. Ngược lại, có những loại pho mát của họ, nói thực, tôi thấy không khác gì mùi trong "toilet"... Khi ăn xong, quên không rửa tay, tôi cứ tưởng mình đã trót chạm phải... của ai đó. Ấy thế mà người Đức lại bảo là tôi dại, không biết ăn.

Họ bảo pho mát đấy mới là pho mát thực sự ngon (?!).

Thật không hiểu nổi!
(Tôi là người rất thích ăn pho mát bình thường, nhưng pho mat tôi nói đến ở trên là một loại pho mát rất đặc biệt, thưa các bạn., nó thực sự rất thối, thối hơn pho mát bình thường rất rất nhiều)

Na ná như ẩm thực, nhạc cổ điển khai thác những giai điệu thuận tai, những quãng, những hòa âm thuận như bạn ăn những đồ ăn ngọt, bùi, dễ cảm nhận; nhạc hiện đại, nhạc Jazz khai thác những giai điệu nghịch, quãng, hợp âm nghịch, khó nghe như bạn ăn cay, hăng, đắng...


Nhạc Jazz sai?

Không, nó sai nhưng sai theo cách riêng của nó, sai theo kiểu của nó và sai theo qui luật. Nói bậy thì không hay rồi, nhưng tôi thấy có người nói bậy rất... hay. Ăn rau diếp cá rất tanh, nhiều khi buồn nôn, nhưng khi ăn được rồi thì rất thích, cũng như đứa con 7 tuổi của tôi không hiểu tại sao bố thích uống rượu vì rượu đắng, cay, xộc lên tận mũi, nhưng khi nó lớn, có thể nó sẽ thích như tôi. Nếu bạn xem tranh cổ điển, bạn sẽ thấy họ vẽ rất giống, rất đẹp, dễ hiểu, dễ cảm nhận, nhưng nếu bạn xem tranh của Picasso hay các nghệ sĩ hiện đại khác, nhiều khi, bạn chẳng hiểu gì vì chẳng thấy hình khối cụ thể nào cả... Nhạc hiện đại nó na ná như thế, đặc biệt là nhạc Jazz - nó sai để đúng, tìm cái đúng trong cái sai.

Vấn đề là bạn cảm nhận nó như thế nào và bạn phải học để biết cách cảm nhận.

Song, nhạc cổ điển vẫn là nền tảng, cũng như bạn không thể ăn ớt, uống rượu để sống. Bạn cần phải có cơm, sữa và bánh.

Giống ánh sáng và bóng tối, tình yêu và hận thù, bạn biết yêu thì cũng nên biết ghét - ghét những điều xấu xa.., song ai cũng biết tình yêu tạo ra thế giới chứ không phải hận thù.

Nếu bạn chỉ là kẻ đáng yêu thì bạn sẽ hợp với Nước Trời hơn là sống trên hành tinh này; bạn có thể trở thành kẻ đáng ghét, nhưng làm thế nào để kẻ đáng ghét đó không "hết cửa" lọt vào Nước Chúa mới là bài toán chúng ta cần giải.


Mấy hôm nay, tôi gặp nghệ sĩ nhạc Jazz Quyền Văn Minh (xin bỏ chữ 'ưu tú' ra ngoài vì tôi thích 'nghệ sĩ yêu..tí' hơn nghệ sĩ ưu tú.

(Nguyên văn phải là nghệ sĩ Ưu tú Quyền Văn Minh).

Ông nói: "Quang ạ, anh vẫn thế. Thua nhiều, đau nhiều rồi, anh sẽ yêu nhạc Jazz, vui, thổi kèn nốt quãng đời còn lại".

Ngoài nhạc Jazz, để phục vụ bạn bè, ông hay thổi Hạ Trắng, Diễm Xưa, Phôi Pha và các bản tình ca khác của Trịnh Công Sơn với một tiếng kèn mượt mà mang phong cách Jazz đầy phóng túng.


Ông yêu Hà Nội nên những bài về tình ca về Hà Nội cũng là ưu tiên số một trong những giai điệu đó.

Cũng như mọi nơi khác trên hành tinh này, Câu lạc bộ của ông cũng có những thành phần bất hảo. Các nghệ sĩ thường phàn nàn là tại sao Sếp lại "thu thập" những thành phần... như thế vào ban nhạc...

Ông nghĩ khác và bảo tôi:

-Em thấy đội quân của anh ô hợp như thế mà anh vẫn đưa chúng nó vào trật tự. 

(Theo từ điển: Ô hợp = táp nham, không có tổ chức, không có kỉ luật như một bầy quạ)


Cũng giống như Trịnh Công Sơn, Quyền Văn Minh uống rượu nhiều, ông hút thuốc cũng không ít. Ông cũng bị một số người ghét, và ông hay khoe những "thành tích" mà ông đang tự hào. Ông tự hào từ một người không được học một giờ nghiêm chỉnh trong trường lớp vì không có điều kiện, nhưng ông đã là giáo viên Nhạc viện hơn 20 năm nay. Tôi nói ông không nên nghĩ như vậy. Ông tốt nghiệp tại chức Nhạc viện, bằng cấp rất vớ vẩn. Ngày thi vào tại chức, ông còn chưa có nổi tấm bằng phổ thông trung học, có nghĩa là ông chưa hết lớp 10 (cũ). Ông "tổ chức, vượt cửa ải" phổ thông rồi sau đó mới được ngồi vào cái ghế... tại chức. Ngày ấy, ông đã nhiều tuổi. Tôi bảo ông là phải sửa lại cách tự hào của mình, ông hãy hiểu là Nhạc viện lúc nào đó phải cảm thấy vinh dự vì đã hơn 20 năm được cộng tác cùng làm việc với ông chứ không phải ngược lại.

Ông không cần phải tự hào là đã được làm giáo viên Nhạc viện hơn 20 năm.

Ông đã quá khiêm tốn!


Ai muốn biết thêm về nhạc Jazz, hãy vào Google, gõ Quyền Văn Minh rồi hãy tìm gặp ông.

Tôi rất quí ông và tất nhiên, không phải vì tôi có cổ phần trong công ty nhạc Jazz (nếu có) của ông và ông cũng chẳng phải bố tôi.

Đơn giản là tôi quí ông.


Ông họ Quyền, tôi họ Đào, không liên quan ./.





HQ


"Âm nhạc đỉnh cao không thể bình thường và càng không nên tầm thường. Đáng lẽ cuộc chơi này phải diễn ra sớm hơn".

"Một nhạc sĩ chơi jazz đích thực hay hơn là một người giàu có. Tôi muốn khi nhắm mắt, ít nhất mình phải có một chặng đường để người ta ghi nhận đó là sự cống hiến".

"Với thị trường nhạc trẻ hiện nay, tất cả các loại hình âm nhạc khác đều bị đẩy lùi. Nhạc cổ điển, cổ truyền phải có Nhà nước nuôi. Nhạc jazz thì manh mún. Đắc (con trai Nghệ sĩ Quyền Văn Minh) còn rất trẻ, sẽ chờ thị trường chuyển đổi. Nếu chưa nổi danh thì thời cuộc chưa thay đổi".

"Tôi cần tiền lắm, cuộc sống còn khó khăn... Nhưng tôi muốn cái giá của cuộc đời mình phải khác. Hơn nữa, con đường tôi đi có rất nhiều cặp mắt dõi vào, vừa động viên vừa kiểm soát.
Mình phải để các giảng viên, học trò trân trọng".


Quyền Văn Minh trả lời phỏng vấn trong: "Không vì tiền mà đánh bóng bản thân".

Tham khảo: "Quyền Văn Minh trở thành nghệ sĩ không kèn"

Nếu các bạn chỉ thấy người da trắng mới đẹp thì các bạn nhầm. Hãy khám phá vẻ đẹp của người da đen và âm nhạc của họ: Jazz !



"AUTUMN LEAVES"






HUY QUANG- PIANO

Comments

  1. To Huy Quang,
    Nên có * cho Jazz(nguồn Wikipedia):
    "Jazz là một thể loại nhạc có nguồn từ Hoa Kỳ. Dòng nhạc Jazz là sự pha trộn của nhạc blues và hòa âm trong nhạc cổ điển, sự trộn lẫn phức tạp trong tiết tấu của âm nhạc châu Phi và giai điệu theo lối hát ứng tác trong âm nhạc của người Ấn Độ. Những đặc điểm này được nhận thấy trong kiểu cách chơi nhạc Jazz của những nghệ sĩ người Mỹ. Dòng nhạc Jazz đã phát triển từ loại nhạc vui nhộn và nhạc blues trong thời gian đầu của thế kỷ 20, và tiếp tục phát triển với những huyền thoại như: Duke Ellington, Miles Davis, Herbie Hancock..., và phát triển lớn mạnh cùng với các thể loại nhạc khác như nhạc cổ điển, nhạc Rock, hip-hop... Các nghệ sĩ và ban nhạc nổi tiếng: Louis Armstrong, Miles Davis, John Coltrane..." ?
    BR
    Vũ Huấn

    ReplyDelete
  2. Tôi thích bài viết của anh, đoạn so sánh nhạc với pho mát rất dí dủm.

    ReplyDelete
  3. Đang tìm hiểu nhạc jazz là gì? Tôi tìm thấy trang web tên anh, đọc bài viết của anh làm tôi cười chịu không nổi.
    Tôi là một người chẳng hiểu tý chi về nhạc lý, ngay cả đô rê mi fa sol gì gì đó :)
    Nhưng tôi nghĩ tôi bắt đầu thấy nhạc jazz hay và thích thú với dòng nhạc này hơn nhờ bài viết của anh.
    Cám ơn anh vì tôi có thể cười vui đến thế...

    ReplyDelete
  4. Vâng, nhạc Jazz là mắm tôm Việt nam.

    ReplyDelete
  5. Hi HQ,

    Cám ơn bài viết dí dỏm của em. Chị thì không hiểu tí gì về âm nhạc, chỉ là nghe gì thấy thích thì nghe thôi. Dù không hiểu, vẫn thấy một cảm xúc gì đó khác lạ, thú vị.

    Tiếp tục viết những bài về âm nhạc một cách bình dân để phổ biến nó đến mọi người, Quang nhé.

    Chúc nghỉ lễ vui vẻ.

    ReplyDelete
  6. nice blog :D e thích giọng văn của a lắm ah:D dí dỏm hài hước nhưng lại sâu xa khiến ngta phải suy nghĩ nhiều điều :D

    ReplyDelete
  7. Nhìn hình của bạn thấy đẹp trai ghê .... hahha (dù có ... có giống ai đó!!!!)

    cam71 ơn bài của Q nhé, người phương tây thích pho mat đặc biệt, nên họ thích nhạc Jazz là đúng rùi!!! -:)

    ReplyDelete
  8. Cảm ơn anh, bài viết của anh rất hay.
    Câu châm ngôn sống của anh rất ý nghĩa: "Nếu bạn luôn muốn nhận kết quả giống như ngày hôm nay thì bạn cứ tiếp tục làm như những gì bạn đã làm"
    Chúc anh luôn hạnh phúc và thành công

    ReplyDelete
  9. He he em cũng họ Đào, ko biết có họ hàng gì với bác không nhưng bài viết của bác quá hay và chất

    ReplyDelete
  10. Cám ơn bạn đã động viên!
    HQ

    ReplyDelete
  11. Bài viết của bác HQ rất hay ạ

    em thích Jazz rất lâu , muốn học và chơi nhưng lại chưa có điều kiện. . . .

    ReplyDelete
  12. Jazz khó lắm bạn ạ, học đến đâu, biết đến đó thôi. Tôi cũng thích Jazz :)

    ReplyDelete
  13. Tôi không biết gì về nhạc, tôi là gv anh ngữ. Hôm nay dạy về tên các laọi nhạc, nào là jazz, pop, rock, elẻctonica music nên tôi tìm hiểu đôi chút để chém với học sinh. Tôi rất thích cách liên tửong giữa âm nhạc, ẩm thực và hội họa của tác giả. Cảm ơn bài viết thú vị của bạn (bác )

    ReplyDelete
  14. Lối so sánh dí dỏm của bạn làm người đọc dễ hiểu chứng tỏ bạn là người rất am hiểu. Bạn có thể đưa ra nhận xét( dí dỏm thì càng hay! ) về cách hát Jazz của Susan Wong, Olivia Ong, Mimi Lo

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?