Chạy trốn

Nhân bài "Viết cho con trai vừa có bằng lái xe" của Dr Niko", tôi xin có vài dòng:

Nghệ sĩ thích sống theo cảm xúc, đôi khi ít lí trí nên hay làm sai, dẫn tới hay bị "ăn đòn"...

Năm 89, đỉnh điểm của thời bao cấp, khổ lắm, tôi sợ Việt Nam lắm nên tìm cách ra đi (không quay về).

Có cậu em, tính cực đoan, cho rằng tất cả những thằng bỏ đi đều là phản bội tổ quốc.

Thằng ấy láo thế đấy! Nó bảo cả anh nó là phản bội tổ quốc...

Có câu: "Bỏ tổ quốc ra đi là bỏ mẹ mình đi tìm một bà mẹ khác".

Tôi thấy cũng hay, nhưng vẫn hoài nghi vì tôi cũng kính trọng nhiều nhân sĩ Việt ở Hải Ngoại lắm - nói thật đấy, rất tôn trọng là đằng khác, tôi không nghĩ họ phản bội tổ quốc giống như kiểu "chụp mũ" của cậu em tôi.

Nhà Dr này, tôi thấy nhiều người viết tốt lắm nên tôi cũng cẩn thận trong cách nói năng chứ không phán bừa giống cậu em tôi (không phải em ruột).

Tôi lại biết là trong thập niên 70, 80 và cả 90, rất nhiều người tìm mọi cách ra đi vì bức xúc trước nhiều vấn đề của dân tộc; nhưng tôi có anh bạn, đang ở Đức, dạy nhạc trong trường công đàng hoàng, quốc tịch Đức, lại xin từ bỏ quốc tịch Đức về SG dạy Nhạc viện SG và hiện vẫn đang sống vui vẻ ở VN. Anh ấy không giàu nhưng vui tính. Anh ấy bảo là lúc lên xin từ bỏ quốc tịch Đức (ngày đó hình như chưa có luật 2 quốc tịch), bọn nó tròn mắt không hiểu tại sao người Việt đang thi nhau xin ở lại, mất nhiều tiền, tìm mọi cách ở lại mà cha này lại xin về.

Rõ là đồ dở hơi!

Tôi hiểu anh ấy và tôi tin là tôi hiểu.
Anh ấy cũng biết là tôi hiểu.

Năm 1999, tôi bị trói tay như gà dẫn về nước (trói theo nghĩa đen ý, bằng khoá số 8). Không phải tội hình sự đâu nhá, tội trốn, tìm mãi mới bắt được, không chịu về Tổ quốc (phản bội) nên Chính phủ 2 nước ký kết áp giải về. Lên đến máy bay, nó mới mở khoá tay, lúc nào cũng kè kè một thằng Đức to gần gấp đôi mình đi bên cạnh, xuống sân bay Băng cốc transit nó cũng đi theo vì sợ mình chạy vào Băng cốc mất, bây giờ nghĩ mà buồn cười. Nó cứ làm như mình là thằng giết người ý - người Đức mà, máy móc lắm.

Hồi đó về, trong túi chẳng còn 1 xu, bố mẹ ra đón thuê cái taxi như cái chuồng gà di động, xe bấm còi inh ỏi, thành xe rung bần bật, đường bụi mù, đi lại nhốn nháo, tháng 5, trời bắt đầu nóng, nghĩ mà nản.

Tôi lập nghiệp bằng cách xin tiền bố mẹ mua bằng được cái điều hoà rẻ tiền lắp trong nhà để thở được đã rồi nghĩ gì thì nghĩ sau.


Ngày ở Đức, tôi thấy anh em Việt nam được học hành trong nước, sang đó có mang bằng cấp theo, nhưng không được họ công nhận nên nhiều anh là kỹ sư, bác sĩ ở nhà, sang đó cũng thành cửu vạn rồi đi rửa bát tuốt tuột. Buồn lắm! Thấy Doctor của Đức oai quá. Hồi còn giấy tờ, tôi xin đi học làm bác sĩ, nhưng nó lại bắt tôi học lại lớp 12 vì bằng lớp 12 ở VN nó cũng chẳng công nhận nốt. Thế mới đau! Giấc mơ làm bác sĩ tiêu tan nên bây giờ thấy mấy ông làm bác sĩ thì thích lắm và lấy vợ cũng có mẹ làm bác sĩ luôn, quen toàn bác sĩ xịn luôn, oai quá...

Tôi bắt đầu làm ăn và cũng may là công việc làm ăn không tệ lắm.

Tôi tìm hiểu lý do.

Ở Đức, tôi nhận thấy một điều là người Đức rất giỏi, hầu như trong mọi lĩnh vực. Tôi thấy họ giỏi hơn mình ở rất nhiều chuyên môn và rất đồng đều (có nghĩa là phổ cập rất cao).

Trong cuộc thì Quốc tế accordion 1989, tuy tôi đánh bại thí sinh người Đức năm đó, nhưng ngoài khả năng chuyên môn ra, kiến thức tổng thể của họ rất tốt.

Nói chung, họ không cần lao động nước ngoài ở những vị trí quan trọng (lao động chân tay thì có).

Nếu có công việc nào đó tốt, mình tìm được, mang đơn lên Sở Lao Động xin giấy phép làm việc thì đầu tiên là họ gửi người Đức đến vị trí đó trước đã, nếu không được, họ gửi công dân Châu Âu đang sống tại Đức đến, nếu không được thì mới đến mấy tay An nam chúng tôi. Nhục như con trùng trục!

Cay lắm vì là đất nước của họ, ông cha họ xây dựng đất nước cho con cái họ chứ xây dựng cho chúng tôi đâu, chúng tôi chỉ là người ở nhờ, dù ai mang quốc tịch Đức thì vẫn là tóc đen, da vàng, mũi tẹt, không trộn đi đâu được. Cha ông chúng ta là ở phía Nam Trung Quốc kia mà, nhà, đất nước của ta bị chiến tranh triền miên nên tan nát, còn đang xây dựng, trách gì ai.

Vì vậy:

"Ta về, ta tắm ao ta, dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn".


Còn một lý do nữa:

Ở đâu, mình thấy mình có ích nhất thì mình sống. Mình có ích cho cộng đồng thì cộng đồng sẽ trả ơn bằng tiền và bằng tình.

Tôi về VN, tôi thấy tôi có ích cho cộng đồng Việt hơn tôi ở Đức, ít nhất, là tôi có ích cho bố mẹ tôi vì bố mẹ tôi không còn trẻ nữa.
Em ruột tôi, Đào Nhật Quang, sau hơn 30 năm lưu lạc (có khả năng nói nhiều thứ tiếng) nhưng cũng đã về VN cùng người vợ Hàn Quốc và 2 đứa con. Vợ chồng nó cảm thấy hạnh phúc vì điều này và đang sống rất có ích cho cộng đồng tại TP-HCM.


Nếu tôi ở lại Đức, tôi vẫn chỉ là gia sư cho các gia đình Đức. Ở VN, ngoài bán đàn, thỉnh thoảng dạy học, tôi còn giúp được nhiều người khác bởi những gì tôi đã học được ở xứ người.

Tôi về, tôi thấy tôi có ích hơn, oai hơn mặc dù vẫn phải chịu đựng tất cả những gì mọi người vẫn đang phải chịu đựng hàng ngày như tắc đường, kẹt xe, đánh lộn, trộm cắp, lưu manh, tham nhũng, rác rưởi.., nhưng tôi thấy tôi cần cho nơi này - Việt nam.

Tôi luôn cố gắng sống tốt, mặc dù tôi không tốt lắm. Nhưng sự cố gắng của tôi đã "ra hoa kết trái".
Bắt đầu có nhiều người tôn trọng tôi, tôn trọng công việc của tôi và họ đưa tiền cho tôi mà vẫn cám ơn.


Hôm nọ, khách hàng của tôi làm ở VTV1 đến quay phóng sự ngắn, tôi chẳng mất đồng nào, chỉ vì họ quí mến. Tôi thích lắm, mất tiền để quảng cáo tôi còn làm nữa là không mất tiền. Tuy nhiên, tôi luôn nói với nhân viên (và cũng để dạy mình) là quảng cáo mà thực tế kém hơn nhiều so với lời nói thì không những không có tác dụng mà còn làm cho người ta khinh thêm.

Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng, mặc dù vẫn còn nhiều thiếu sót.

Tôi về Việt Nam, cảm thấy có ích cho mình, cho mọi người, tôi vui lắm, mặc dù còn nhiều vấn đề, nhiều quan điểm mà người Việt vẫn chưa đồng thuận, còn "bắn nhau" trên mạng và ngoài đời; nhưng nói chung, tôi luôn hi vọng vào tương lai sáng hơn và không đổ máu.

Song thú thực, niềm tin đó đôi khi bị lung lay!


Bức xúc trước nhiều vấn đề, đặc biệt là giáo dục, vợ tôi thường nhắc khéo tôi về vấn việc ra nước ngoài sống. Tôi nói là trước mắt thì không được vì chừng nào bố mẹ tôi còn đó thì việc đó chưa thể thực hiện. Tuy khác nhau rất nhiều về quan điểm, nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc khi có ông bên cạnh (tôi nói về bố tôi).

Tôi không biết hạnh phúc đó còn được bao lâu, tôi xin Chúa hãy làm cho tôi điều đó!


Các bạn trẻ và cả các bạn già nữa, hãy quên đi tất cả, hãy trở về!

Ở đây, nhiều người cần các bạn, các bạn sẽ trở nên quan trọng, các bạn sẽ phải chịu nhiều điều trái ngang, nhưng "cả gánh" sẽ là tốt.

Ở bên ấy, các bạn phải nói thứ tiếng không phải của các bạn, sống cái nhà không phải của cha ông các bạn xây, các bạn sẽ lạc lõng, cô đơn; về "mặc áo the, đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao", giống như tôi về với bố tôi dù quan điểm khác biệt.


Tôi tin như vậy!






HQ


Comments

  1. Quang ơi,

    Đôi khi tất cả hành trang người ta có khi quay về chỉ là niềm tin, giống như em.

    Em có bao giờ nghĩ đến bi kịch có thể xảy ra với một người, ví dụ như con trai của Dr Nikonian, khi niềm tin đó bị sụp đổ không em?

    Chị không nói vậy để đập đổ niềm tin của mọi người, của em, của con trai Dr Nikonian, trước khi kịp về, mà để mọi người, trong đó có cả chị em mình, lường trước được những điều xấu nhất, để có thể tránh được nó.

    Cái này, trong y học có phải gọi là tiên lượng (pronogsis) không hở các BS-nhà văn-blogger bạn của tôi?

    Một ngày như mọi ngày ...

    PA

    ReplyDelete
  2. "...lường trước được những điều xấu nhất, để có thể tránh được nó."

    Chị muốn vào thêm đoạn này để làm rõ ý:

    "Hoặc nếu không tránh được, thì vui vẻ chấp nhận nó, vì đã biết trước đó là cái giá sẽ phải trả. Ví đụ, đi tu thì biết là sẽ không được lấy vợ, không ... have sex, suốt đời (!), và vui vẻ chấp nhận chuyện đó."

    Vậy Quang ạ. Chúc vui!

    ReplyDelete
  3. Nói về chuyện ra đi và trỡ về thì có nhiều chuyện để nói lắm. Khi nào có dịp gặp nhau sẽ nói nhiều. Cảm ơn nhen.

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?

Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?