Chúng ta có phải người công bình không?

Hi Quang,

Em có thể giải thích cho chị đoạn Kinh thánh mà em trích dẫn nhiều lần dưới đây không?

Người công bình tuy công bình cũng phải hư mất; và kẻ hung ác tuy hung ác lại được trường thọ.

Chứ nếu không thì chị vẫn thấy ấm ức với kinh thánh ở chỗ này đây em ạ!

PA



Thưa chị,

Mỗi người được sinh ra trong môi trường khác nhau. Vậy, có kẻ đẹp, kẻ xấu, kẻ giỏi, người dốt ...
Dù bạn có theo tôn giáo nào đi nữa, nhưng nói chung, chúng ta sợ chết.

Có thể có cuộc sống sau khi chết, nhưng để chứng minh và tin được chắc chắn điều đó, không phải ai cũng làm được.
Vì vậy, sống ở trên đời, mọi người nói chung, muốn nhiều thứ cho mình rồi sau đó cho vợ con mình, bố mẹ mình, gia đình mình trước.
Lúc no đủ cho mình rồi, người ta mới nghĩ đến người khác.

Bản chất của con người là vậy, không ai thích cực nhọc cả, mọi người đều thích sung sướng, nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con khôn...

Bạn tôi bảo khi nào tất cả đàn bà nhìn đều giống nhau, đẹp như nhau, thông minh như nhau, trẻ mãi không già thì lúc đó có sự công bằng tuyệt đối trên thế gian này.
Tôi là đàn ông, dù xấu trai đến mấy, tôi vẫn muốn lấy vợ đẹp. Vậy vợ xấu để cho ai? Mà phụ nữ thì có trẻ, có già, có xinh, có xấu.., không thể đồng đều được.

Tôi đợi khoa học phát triển đến mức làm cho tất cả mọi người đều trẻ như nhau, đều xinh như nhau, thông minh như nhau, khống chế được các thiên thạch đang lao vào trái đất, khống chế được những cái "hố đen" của vũ trụ, làm chủ nó, làm trái đất trở thành hành tinh xanh, sống mãi, tìm ra các hành tinh xanh khác, di cư đến đó ở, nghiên cứu Gen, làm cho người chết sống lại...

Thích nhỉ! Hơi tự tin!

Tôi là thằng "xôi thịt" nên cái gì chưa có, viển vông quá thì không tin.

Trước mắt, con người vẫn giành giật nhau mọi thứ - văn minh thì người ta giành giật có văn hoá, lạc hậu thì người ta giành giật vô văn hoá, tranh cướp.

Tóm lại, người ta giành giật cho mình.

Vậy, trong lúc chúng ta chưa là chủ nhân của vũ trụ thì con người vẫn ích kỷ, mang nhiều tính xấu hơn là tốt.

Kinh thánh luôn hạ thấp con người, coi con người là xấu xa, tội lỗi, ích kỷ... Kinh thánh không nâng cao con người, chỉ tôn vinh Thượng Đế - là Đấng Tạo Hóa, là chủ vũ trụ.

Tôi vẫn tự hỏi: "Vũ trụ là gì, khoảng không vô hạn là gì?".
Tôi không thể hiểu được một khoảng không không có giới hạn, mãi mãi, về mọi phía, mọi hướng...
Tôi hiểu là các hạt nguyên tử là nhỏ nhất, nhưng nhỏ hơn nó là cái gì? Cái gì đã cấu thành các vật chất đó? Hư không à?

Chính vì cái hữu hạn của tôi mà tôi tin tôi hiểu cái hữu hạn của mọi người. Họ cũng sẽ phải chết như tôi và về những câu hỏi như trên, họ cũng không trả lời tận cùng được.

Họ là con người và tôi cũng vậy: hữu hạn, tranh giành, xấu xa ...

Vì vậy, tôi tin có Đấng Tạo Hóa vì tôi không hiểu hết được, nhưng cảm thấy được.


Chúng ta xấu, vậy, đừng nghĩ mình công bình vì chúng ta có được công bình là do Chúa coi chúng ta là công bình mà thôi. Nếu trong chừng mực nào đó, chúng ta có công bình hơn kẻ khác thì đó là ơn phước của Chúa mà thôi, chúng ta không xứng đáng tự coi mình là công bình.

Vì vậy, "chớ công bình quá, cũng đừng làm ra mình khôn ngoan quá; cớ sao làm thiệt hại cho mình?"

Giả sử, chúng ta có khôn ngoan là do may mắn, ơn Chúa; chúng ta có được sự công bình là do may mắn, ơn Chúa chứ chúng ta giỏi giang gì? Nếu ai đó trong chúng ta bị sinh ra ở một môi trường nào đó xui xẻo, có thể ai đó trong chúng ta sẽ đói lắm, bệnh tật lắm, hung ác lắm, đau khổ lắm, khốn nạn lắm, lưu manh lắm.., không khéo đang ngồi chờ bị hành hình cũng nên.

Vậy, ta khôn hay ta may? Các cụ dạy là "may hơn khôn". Vậy, chúng ta có nên "làm ra mình khôn ngoan quá" hay không? Nếu chúng ta nghĩ chúng ta khôn thì đó là cái hố đen ngạo mạn nhất nuốt chửng chúng ta vào vực sâu ngu dốt.

"Cớ sao làm thiệt hại cho mình?"



"Người công bình tuy công bình cũng phải hư mất; và kẻ hung ác tuy hung ác lại được trường thọ".


Sự vô cảm, một chứng bệnh khó chữa. Người ta có thể vô cảm với đau đớn của đồng loại. Mỗi chúng ta đều có cái đó. Chúng ta làm gì với sự chết ở lục địa đen - đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh?

Rất nhiều người trong chúng ta không làm gì cả.

Xét theo tiêu chí nào đó, chúng ta không phải công bình. Ai cũng chết cả thôi, nếu mình coi mình là công bình thì mình cũng chết, mình coi mình là ác thì mình cũng chết; chỉ có điều, việc tự coi mình là thế nọ, thế kia, không phải việc của mình, việc xét đoán là việc của Chúa. Nếu so mình với những kẻ lấy cả tiền quyên góp cho người nghèo để ăn chơi thì mình là người công bình, nếu so mình với những tình nguyện viên, sống cùng những đất nước đói nghèo nhất, đấu tranh cùng họ với đói nghèo, chiến tranh, bệnh tật thì mình là "kẻ ác". Có thể mình sẽ bạo mồm, trốn tránh trách nhiệm và rủa "chúng nó ngu, cho chúng nó chết". Vậy, nếu chính mình là họ, mình được sinh ra ở trong hoàn cảnh đó thì ai ngu, có khi mình lại ngu hơn và lại còn phải nghe tiếng rủa xả của kẻ khốn nạn, vô cảm nào đó như mình...

Câu hỏi lại là: - Ta may hay ta khôn?


Thế gian không thể có công bằng tuyệt đối được. Theo tôi, hiểu được điều đó, sống sẽ dễ chịu hơn và có khi sẽ làm tốt hơn vì đã không tự coi mình là tử tế, là công bình.

Xin mượn bức ảnh này về để minh chứng cho suy nghĩ của tôi. Tôi chẳng phải "công bình" trong việc này vì tôi không có bản quyền, nhưng tôi vẫn "copy" nó về vì ít nhất, tôi cũng có một mục đích mà tôi tự coi là tốt trong đó.





HQ



Tham khảo thêm:

"Tôi đã bắt đầu biết... nói dối" (link đã bị quản trị trang web xóa)



"Câu chuyện của Muốn và Cần..." (link đã bị quản trị trang web xóa)


"Sống trên đời cần có một tấm lòng!"  (link đã bị quản trị trang web xóa)

Comments

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?

Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?