Hạnh phúc mong manh 2

Vào xem "blog" của ông Hồ Hải mới biết Đào Hiếu gãy chân. Chẳng dám so sánh Đào Hiếu với con tôi vì ông đáng tuổi bố tôi, nhưng nhân chuyện ông gãy chân thì nghĩ đến thằng con của tôi vừa sinh nhật 6 tuổi được 2 ngày thì ngã từ trên đàn piano xuống gãy tay.

"Hoạ vô đơn chí" (tai họa thường xảy đến liên tiếp, dồn dập).

Khi gặp nạn, người ta thường luống cuống, không minh mẫn, do đó thường gặp phải các rủi ro khác; và càng nhiều rủi ro thì càng mệt mỏi, càng mất bình tĩnh, dẫn đến hoạ nó tiếp tục đổ xuống, nối tiếp như quân cờ Đô mi nô.

Trên quan điểm đó, tôi cố giữ bình tĩnh và "ngồi chờ" xem quân cờ Đô - mi - nô tiếp theo đổ xuống tôi là cái gì?

Vì vậy, tôi mong bác Hiếu giữ bình tĩnh và chóng khỏi bệnh.

Tôi lại đọc đến câu kết của bác Hải trong bài "THĂM ANH ĐÀO HIẾU" và cười vì nó "rất bác Hải" bởi tính hoài nghi trong suy nghĩ của bác:

"Và ngay cả bây giờ cũng đã chắc là không có lạc đường? Sinh ra làm kiếp người vốn dĩ đã là lạc đường rồi phải không anh?"

Tôi đã tưởng mình là người mất lòng tin, nhưng thấy "mấy ông già" còn mất lòng tin hơn mình.
Hi vọng tai nạn của bác Hiếu là tai nạn bình thường, không do một chủ ý nào đó vì vốn cũng là kẻ mất lòng tin, hoài nghi nên tôi cũng không loại trừ những khả năng khác.

Tuy nhiên, nếu mất lòng tin quá thì tôi không sống nổi vì tuyệt vọng.
Do vậy, tôi tin Chúa!
Phải chăng tôi là kẻ yếu đuối?

Lại vẫn câu chuyện "Hạnh phúc mong manh":
10 giờ sáng mới dám ra khỏi nhà, dặn vợ kĩ lắm:
 - Em phải để ý con, đừng tập trung vào một việc quá, nhà mình đông con, phải để ý nhiều việc một lúc, làm nhiều việc một lúc và không được để xẩy ra sai sót lớn.
(Đó là văn viết, văn nói thì không lưu loát như thế và đôi khi còn không đủ ý vì muốn mọi người tự hiểu)

Nhìn phim chụp X-quang mà xót xa vì thương nó. Tay nó như cánh con chim non vô tội bị gãy.
Chiều về, rút kinh nghiệm cùng ông bà ngoại sau một thất bại "trông con" thì sau vài ba câu, sáng sớm hôm sau, tôi nhận được lời nhận xét là "thằng điên" từ mẹ của mẹ đứa trẻ bị gãy tay, tức bà ngoại nó, mẹ vợ tôi.

Tôi sẽ phải nói lại cái gì nhỉ?
Tôi đố mọi người đấy!

Và... cuộc sống vẫn như vậy.
Và... sự chừng mực là điều cần thiết cho cuộc sống, trong đó có ăn nói chừng mực.

Ở đời, chẳng ai biết được chữ "ngờ", nhưng nếu được trang bị tốt thì cuộc sống sẽ gặp ít rủi ro hơn.
Trong các cuộc chiến, người Mỹ thường gặp ít tổn thất về người hơn đối phương vì không thể phủ nhận là họ được trang bị rất tốt về kỹ thuật chiến đấu và phương tiện chiến tranh.

Trong cuộc chiến tranh tại Nam tư năm 1999, số người Mỹ chết chỉ tính trên đầu ngón tay.
Đôi khi, họ được trang bị tốt quá, cẩn thận quá nên luống cuống bắn nhầm cả vào nhau.

Tôi lái xe ra đường, nếu tôi được đào tạo lái xe tốt thì khả năng xẩy ra tai nạn sẽ ít hơn nhiều.

Đừng luôn đổ lỗi cho số phận!

"Sự đau đớn của những đứa trẻ có sự đóng góp không nhỏ của người lớn".

Tôi đã đọc ở đâu đó câu này.


Thiển nghĩ, trong thành công, con người cần rút kinh nghiệm thì trong hoạn nạn, người ta cần phải học được nhiều hơn.
Song, việc đó, không phải ai cũng hiểu và tôi vẫn là "thằng điên" trong con mắt của một số người không giống tôi.

Lại nghĩ về chuyện "Y khoa buồn"  của Dr Niko, khi trong cùng phòng với con tôi có bà mẹ trẻ, dáng gầy gò với đứa con có hình hài không được như ý.
Nhưng vui thay, đứa trẻ lại có con mắt linh hoạt và sau một ngày nằm viện, tôi lại gặp được đứa trẻ nữa, giống thế và lạ thay, nó lại rất bình thường trong tư duy.

Tôi "cãi nhau" một chút với bà mẹ trẻ là nó xứng đáng được sinh ra vì nó có một linh hồn và không ai được quyền lấy đi, ngoài Chúa.

Bà mẹ im lặng và nói:
- Nói thật là nếu em biết thế này, em đã không để nó sinh ra vì mình khổ thì mình chịu được, nhưng mỗi lần nhìn thấy con lại thương con vì nó sinh ra như thế này thì khổ nó.

Tôi lại "cãi":
Tôi gặp rất nhiều kẻ có "hình hài" bình thường, thậm chí còn "đẹp", nhưng ẩn chứa trong đó là một linh hồn què quặt thì lý gì một linh hồn lành lặn lại không xứng đáng được sinh ra trong một hình hài không được như ý?

Nếu được cả hai thì tốt nhưng nếu được chọn một trong hai thì có lẽ tôi chọn giải pháp hai, tuy rằng đau đớn, nhưng nó vẫn là "con Người" theo đúng nghĩa.

Nhưng..bà mẹ lại nói:
- Hộp sọ cháu sau này sẽ phải mở rộng vì không đủ chỗ cho não phát triển.

Suy nghĩ tôi dừng lại để dành chỗ cho nỗi đau mà tôi là kẻ ngoài cuộc.
Và từ đó trở đi, tôi thấy nỗi đau của mình thật nhỏ bé.

Tôi đưa con đi viện với sự sẵn sàng giúp đỡ, gửi gắm của viện trưởng, trưởng khoa, với khả năng tài chính không đến nỗi quá eo hẹp, nhưng tiếc thay, ẩn chứa trong tôi là tâm hồn cô đơn của một kẻ nhạy cảm - "một thằng điên".

Tôi đã chẳng đánh giá được gì nhiều về đội ngũ phục vụ tại bệnh viện khi những người giúp con tôi đều được tôi và gia đình tôi kính trọng đến khúm núm.
Song, sáng hôm sau, khi thay ca, tôi nhìn thấy những người không được như tôi nhận được điều gì từ họ.

Người ta bảo "Khôn sống mống chết"(khôn thì sống, dại thì chết), kệ họ thôi, hơi đâu mà lo... nhưng ta không thể phủ nhận đó là một nền "Y khoa buồn" mà nếu không thay đổi, thì kẻ đối mặt với nền y khoa đó có thể chính là chúng ta.

Viết vài dòng khi nhìn con tôi ./.




HQ

Comments

  1. Quang ạ,

    Hình thằng bé trong entry này đẹp lắm: rất ngây thơ và mong manh. Như hạnh phúc. Chị nhận ra nó là một trong 2 thằng bé con của Quang. Hay là chị tưởng tượng ra thế?

    Một bức ảnh rất nghệ thuật.

    Một bài viết rất tản mạn, khó hiểu, khó thưởng thức. Giống như nhạc jazz.

    Chẳng biết chị có hiểu nhạc jazz giống như nó cần được hiểu không? Nhưng thôi, cứ tưởng bở thế, cho nó dễ sống.

    Tặng Quang cái quote về sự cô đơn:
    Our language has widely sensed the two sides of being alone. It has created the word "loneliness" to express the pain of being alone. And it has created the word "solitude" to express the glory of being alone. (Paul Tillich)

    Ngôn ngữ của chúng ta (tức là tiếng Anh - chú thích của người dịch) nhận ra được hai khía cạnh của sự đơn độc. Nên nó đã tạo ra từ "cô quạnh" để diễn tả nỗi đau của tình trạng này, và tạo ra từ "thanh vắng" để diễn tả vẻ đẹp cao quý của nó.


    Người cô đơn, không giống ai, không có bầy đàn, thường bị xem là người điên Quang ạ.

    PA

    ReplyDelete
  2. Chị vẫn dõi theo em.
    Cháu bị ngã, thương lắm!
    Tai nạn không ai lường trước được, nhưng vợ em là người không cẩn thận nên khả năng rủi ro cao hơn người khác.
    Cô ấy sẽ buồn về bài viết này, nhưng "thuốc đắng giã tật".
    Là mẹ của những đứa con chung nên dù cô ấy buồn em vẫn phải nói.
    Những ý kiến cực đoan khác, không phải là vợ mình thì em lại không quan tâm nhiều.
    "Internet" là diễn đàn mở nên có nhiều người đọc.
    Trong một bài viết, có người hiểu khía cạnh nọ, có người hiểu khía cạnh kia.
    Trong nền "Y khoa buồn" (theo cách nói "bản quyền" của Dr Niko)thì những người "may mắn" sẽ nhận được những dịch vụ gọi là tử tế và những người không may mắn sẽ không có được những thứ đó hoặc có được cũng chỉ mang tính "ban ơn".
    Thằng bé trong ảnh không phải con em chị ạ! Thằng cu nhà em trông nó cũng hao hao như thế.
    Cảm ơn chị!
    HQ

    ReplyDelete
  3. Em nhận ra rằng anh chưa hề cám ơn bà ngoại vì sự có mặt của bà trong bệnh viện từ 12h trưa đến 9h tối hôm thứ 7 lúc anh mang cơm vào cho con.

    Bố mẹ em đã rất giận vì anh đổ lỗi cho vợ một cách vô lý, gay gắt và cuối cùng kết luận là em không bao giờ có thể thay đổi do bà ngoại luôn bênh vực em trong khi anh thậm chí chưa hề hỏi cả nhà xem thằng bé ngã trong hoàn cảnh nào.

    Anh có biết rằng hôm đó Tôm không hề nghịch ngợm gì cả, con chỉ bước chân lên ghế salon đặt cạnh đàn piano rồi với tay lấy cái điều khiển TV. Nhưng vì lao nhanh quá nhanh và hơi rướn nên con bị trượt xuống trong khi bác L. gọi với theo nhưng không kịp.

    Em không thanh minh gì cho mình cả vì em không muốn mất thời gian vào việc không cần thiết đó như anh biết đấy. Nhưng bố mẹ em thương con nên đã cố thanh minh cho em khi thấy anh có thái độ buộc tội như vậy. Và nếu anh buộc tội bố mẹ em là nguồn gốc sâu xa của tai nạn này thì anh đã thử nghĩ xem liệu có nên chăng?

    Đối với bà ngoại, sau 9 tiếng đồng hồ trông Tôm trong viện cộng với một lần bị anh quát tháo qua điện thoại và thêm khoảng thời gian "rút kinh nghiệm" vào buổi tối của anh đối với bà ngoại thì quả là quá tải. Bà hoàn toàn cần những lời cám ơn và động viên thay vào đó.

    Ai cũng có ít nhất là vài điểm không hài lòng về người khác nhưng người ta có thể chọn việc cứ nguyền rủa những điểm yếu đó hoặc là việc tìm cách để giúp người ấy tiến bộ. Nếu anh chọn cách thứ nhất để đối đãi với nhân viên và gia đình của mình thì xin lỗi anh, em không làm theo được. Nếu con người không vì anh nói với họ những lời dịu dàng mà thay đổi thì họ cũng sẽ không thay đổi vì những lời càu nhàu, xúc phạm của anh. Anh có nghĩ thế không?

    Anh không hề trò chuyện với ai trong nhà kể từ khi sự việc diễn ra giống như anh vẫn thường làm. Nếu anh có thể hiểu và trao đổi cả ngày về những vấn đề sâu sắc và nghiêm túc với các bào Đào Hiếu, bác Dr. Nikonian và chị P.A... nhưng anh không hề hiểu gia đình mình thì có ích gì?

    Em xin lỗi vì đã rất giận và em hứa sẽ không đọc blog của anh nữa. Nếu trong tương lai nếu blog của anh có thêm các suy nghĩ tích cực thì có lẽ em sẽ ghé lại.

    ReplyDelete
  4. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  5. "Comment" trên là lời của vợ tôi.
    Ai có thể thay đổi được cô ấy?
    Phải chăng sai lầm lớn nhất trong cuộc đời cô ấy là đã lấy tôi? Ngoài ra, tôi chưa thấy cô ấy nhận thấy mình có sai lầm gì trong cuộc sống.
    Tôi mong vợ tôi nói được những khiếm khuyết trong con người cô ấy.
    Rất mong!
    Song từ khi biết cô ấy, tôi chưa nghe thấy hoặc nghe cô ấy công nhận những sai lầm của mình.
    Tôi đã thấy mình không hạnh phúc khi lấy được người vợ chưa biết nhìn nhận sai lầm?
    Chuyện gì sẽ xẩy ra, tai nạn nào sẽ tiếp tục với một lỗi nghĩ như thế?

    Tôi đã rút được một số bài học "nhỏ" trong việc bị ngã của con tôi, nhưng vợ tôi hoàn toàn không.
    Xem cách cô ấy viết thì ai cũng dễ dàng nhận ra.
    (Ta tạm gạt bà ngoại sang một bên vì bà ngoại không thuộc gia đình nhỏ của tôi)

    Và tôi vẫn phải sống để dõi theo cuộc sống, song hành cùng một người không thấy mình có sai lầm.

    Nhưng rất may, tôi có nhìn thấy một số thay đổi nhỏ trong cách "giữ gìn" con cái của cô ấy sau tai nạn ấy.
    Dù sao, cuối đường hầm vẫn còn một tia sáng nhể!
    Xin Chúa ở cùng tôi!


    Đó là chuyện nhà tôi, nhà Huy Quang.
    Tks!

    ReplyDelete
  6. Xin chia sẻ cùng bác sự xui xẻo này và chúc cháu bé mau hồi phục.
    Emmanuel!

    Dr Nikonian

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?

Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?