Mê sảng có thể chết

Dù bạn có theo tín ngưỡng nào thì sau vài chục năm sống trên đất, bạn cũng sẽ phải chết.

Nếu bạn là đàn ông, bạn hay thích đàn bà và...
"Nếu đời không có đàn bà thì đàn ông chỉ biết nhậu, coi đá banh rồi ... chết.
Nếu trên thế giới số lượng đàn bà chỉ bằng một phần mười đàn ông thì mười ông Adam sẽ giành nhau một bà Eva, sẽ đánh nhau rồi cũng ... chết.
Còn nếu như đàn bà nhiều hơn đàn ông như hiện nay thì đàn ông vẫn tiếp tục lai rai bỏ mạng vì bị đàn bà nó ghen, nó hành cho chết".

Túm lại, đằng nào cũng chết.

Đấy là tôi nghe Đào Hiếu bảo thế (ông ấy không phải là bố tôi).
Vì vậy, tôi cũng như tất cả các bạn, chúng ta đều tìm kiếm sự bình an lớn nhất cho chúng ta, tâm hồn chúng ta.

Tuy nhiên, đến lúc nào đó, phải nói thật rằng, sự hỗn loạn ở Việt nam đã làm tôi chán ngấy.
Tôi cảm thấy mình đã đánh mất sự bình an.

Cái hỗn loạn ở đây không phải là hỗn loạn chính trị mà là hỗn loạn trong suy nghĩ của quá nhiều người trong cái dân tộc nhỏ bé này.

Tôi lại nghĩ đến câu nói của Nguyễn Gia Kiểng:
"MỘT DÂN TỘC GỒM TOÀN NHỮNG NGƯỜI KHÔN LÀ MỘT DÂN TỘC RẤT ĐẦN ĐỘN".

Tôi nghĩ đến bài "Một đời người, một rừng cây" của Trần Long Ẩn, trong đó có câu:

"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?"

Một ngày, tôi tự nhủ:
"Mình phải đi thôi!"

"Đi đâu nhỉ?"
Con người thứ 2 trong tôi hỏi.

Khi bố mẹ tôi ở đây, tôi nói tốt nhất tiếng Việt, tôi cảm thấy tôi có ích nhất ở đây thì tôi nên đi đâu?

Tôi lại nghĩ:
"Con sắp đến tuổi đi học rồi!"
Đi học trường ta thì nghĩ đến là rùng mình.

Mẹ tôi bảo:
"Thì người ta học cả, có ai chết đâu?"

"Thì có chết ngay đâu, vẫn sống cả đấy chứ (!?)"
Tôi lại nghĩ vậy.

Tuy nhiên, nghĩ đến nền giáo dục nước nhà thì khỏi phải nói.
Chết thì chưa chết ngay, nhưng ra đường mới biết giáo dục đã ảnh hưởng đến cộng đồng ra sao.

"Đối với người Việt, cứ không chết ngay là được!".
Joe Rueller bảo thế.

Vậy, suy ra là trong "tương lai gần" sẽ chết? Chết từ từ?

Vì vậy, người ta luôn tìm cách cho con cái mình đi "Tị nạn Giáo dục" để "tương lai gần" khỏi chết.

Ai đó đã nói :


"Việt Nam là một nước quá nhỏ nhưng có quá nhiều anh hùng, quá nhiều huyền thoại .
Hiển nhiên, đó là điều không tốt".


Bây giờ, tôi thấy nhiều Thạc sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư quá nên tôi cũng phát hoảng nên tìm cách cho con tôi lấy cái bằng phổ thông trung học bình thường ở các nước tiên tiến thôi; cao siêu quá, tôi chịu và tôi nhất định không muốn con tôi thành "anh hùng".

Nó cứ như bố nó là được... để khỏi chết từ từ; mà có chết thì phải chết ngay.

Cái phổ thông trung học bình thường ở các nước tiên tiến mà ở Việt nam, người ta hay có cụm từ dân dã là "Trường Quốc tế", có mức học phí khoảng hơn 1000 USD/tháng và nếu con bạn muốn học 100% Tiếng Anh thì nó phải có yếu tố quốc tịch nước ngoài nữa .

Cám ơn các bậc thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, "cao nhân", "tiền bối" nước nhà đã có những đề xuất "thông minh" để tạo ra nền giáo dục "tiên tiến" này và đưa ra những loại luật cũng không kém phần "thông minh".
Con cháu Việt nam phải được giáo dục theo "truyền thống" Việt nam (!?).


Vậy, nếu tôi có đủ khoảng hơn 3000 USD/tháng cho 3 đứa con của tôi học được Trường Quốc tế thì tôi vẫn phải bỏ vợ tôi lấy một bà vợ Cam-pu-chia để con tôi nhập quốc tịch Cam-pu-chia, sống ở Việt nam cùng mẹ nó (là người Việt và vẫn là người Việt) và để được học trường Quốc tế ở Việt nam theo... "luật định".


Như thế, nhà tôi sẽ có yếu tố "quốc tịch nước ngoài" để được học chương trình quốc tế, và ta tránh xa được chương trình của Bộ Giáo dục Đào tạo.

Bạn biết rằng cái luật này mang một cái tên rất kêu là "giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc".

Chắc để dân tộc khỏi bị lãng quên, khỏi bị chết...


Không biết mai kia, họ còn nghĩ ra cái gì nữa?
Lạy các bố, con xin các bố đừng nghĩ nữa cho con nhờ !
Khổ cái, họ vẫn tiếp tục... nghĩ và "phát minh" .


Hơn 3000 usd, tương đương khoảng hơn 60 triệu theo tỉ giá thị trường tự do thời điểm hiện tại.

Tôi đang ở thế bế tắc vì năm sau, đứa thứ nhất sẽ đi học và vài năm sau đó, những đứa kia sẽ cũng... đi học và tất nhiên, cả 3 đứa sẽ... đi học.

Hay là tôi ở nhà dạy chúng nó để tiết kiệm hơn 60 triệu/ một tháng, còn chi phí gia đình sẽ do vợ tôi lo?

Như thế thì cũng chết vì phụ thuộc kinh tế vào..."nó", "nó" sẽ hành cho đến chết!

Và ... vì học phí tại Trường Quốc tế ở Việt nam quá cao nên nhiều gia đình nước ngoài, đang sinh sống tại đây đã cho con học theo chương trình đào tạo từ xa của Mỹ và họ đã thành công.

Cái đào tạo chuẩn, tối thiểu nhất là phổ thông trung học ở các nước tiên tiến đã trở thành cái quá xa xỉ ở Việt nam.

Và tôi tự bảo:
"Mình phải sang Mỹ thôi!"
"Ối giời ôi! Kẻ thù của dân tộc, sao mình lại sang đó? Mình là người Việt, bố mẹ, anh em mình đang ở đây, mình không thích Mỹ, không thích đi Mỹ!".

" Ở bên đó, học phổ thông cho con là 'free'! "
Con người thứ 2 trong tôi phản đối.

Vốn là kẻ hám lợi nên khi nghĩ đến chữ "free", tôi như người mê sảng.


Và bạn biết đấy, mê sảng có thể chết !




HQ

Comments

  1. Ha ha ha, hay quá Quang ạ!

    Hôm nay sơn phết lại nhà cửa rồi ư? Cho nó đỡ mê sảng à?

    Thời nay hết vượt biên rồi Quang ạ, có sang đến bên ấy được nó cũng đuổi về. Nuôi cho con lớn lên rồi cho nó lấy chồng, lấy vợ ngoại thôi, nếu muốn!

    Có muốn chị kể kinh nghiệm vượt biên không? Hôm nào rảnh chị sẽ viết đấy. Còn ở đây chỉ nhắc lại một câu, bảo đảm nghe xong thì bàng hoàng tỉnh giấc, thoát khỏi cơn mê sảng, mồ hôi vã ra như tắm ngay thôi:

    "Một là con nuôi cá, hai là má nuôi con...
    Ba (ít khi xảy ra) là con nuôi má!"

    Không hiểu, thì chờ chị viết về vượt biên nhé? Hay tốt nhất để cho Đào Hiếu viết, chắc ông ấy viết sẽ hay.

    Chị PA

    ReplyDelete
  2. Hồi ở Đức, sống 10 năm, ăn ngủ với mấy "bố" vượt biển, nghe hết rồi chị ạ; nhưng không bao giờ hiểu hết được vì mình không ở trong cuộc.
    Tóm lại, đối với họ, sự kinh hoàng đó là dấu ấn không bao giờ phai; nó thay đổi cuộc đời họ, ý thức sống của họ...
    Tóm lại, họ đã bị thay đổi sau những biến cố kinh hoàng.
    Có những người vượt biên suôn sẻ, nhưng đó chỉ là số ít.
    Nếu em không nhầm thì danh từ "boat people" - người đi tị nạn bằng thuyền, thuyền nhân, tiếng Anh có nguồn gốc từ sự kiện thuyền nhân Việt nam mà ra.
    Năm 1985 đến 1987, em ở Nha Trang, dọc bờ biển 3 làng Công giáo. Em hay đến chơi với họ và tìm hiểu về thảm kịch vượt biển, lý do, về đệ nhất Việt Nam Cộng hoà, về cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và đã có khái niệm từ đó.
    Chỉ có điều, hồi đó, em chưa hiểu lòng tin vào Chúa của họ.
    Bây giờ, tất nhiên là hiểu vì chính bản thân đã thuộc về "bọn đó", tuy Tin lành có nhiều cái khác chị ạ.
    Năm 1989, em sang Đức, lưu vong 10 năm ở đó, tiếp tục tìm hiểu những cái mình chưa biết và đã có câu trả lời em cho là chính xác về những gì mình nghĩ.
    Tuy nhiên, đôi khi vẫn bị "mê sảng" chị ạ!

    Drniko cũng "chôm chỉa" ở đâu bài viết về người Công giáo cũng hay phết:

    http://drnikonian.wordpress.com/2009/02/08/cu%E1%BB%91i-tu%E1%BA%A7n-di-chom-chia/
    Chị bớt chút thời gian đọc thử nhé!

    ReplyDelete
  3. Hi Quang,
    Cám ơn về bài viết trên blog của bác LĐ Phương. Nó thôi thúc thêm ý định của chị là một ngày nào đó sẽ viết về người công giáo VN, dưới góc nhìn của một cá nhân là chị.

    Chỉ nói thêm một ý: cuốn sách chính thức và có lẽ là duy nhất mà chị đọc về người công giáo VN do chính quyền "cách mạng" xuất bản là tác phẩm Bão biển của Chu Văn. Và khi đọc nó, thì ngay cả chị (khi ấy chị chừng 16, 17 tuổi) cũng thấy sao mà ghét người/đạo công giáo thế. U mê, mụ mẫm. Tội lỗi, hủ bại. Thật đáng khinh, đáng ghét.

    Đây có phải là một cách khác của kỳ thị không Quang nhỉ? Một cách có hệ thống, chứ không như kiểu trẻ em Sài Gòn chọc quê bọn Bắc Kỳ rau muống như chị đã kể, phải không Quang?

    Chúc em vui, hết mê sảng :-). Vì có thể chết!

    ReplyDelete
  4. Theo em hiểu, chữ "kì thị" thường được dùng cho bậc bề trên, của những kẻ được coi là văn minh hơn dành cho bề dưới hay những kẻ được coi là "kém" văn minh hơn.
    Em thích dùng chữ "phân biệt"(discrimination) hơn vì theo em, kẻ đi kì thị kẻ khác thường là kẻ có tâm lý "bầy đàn" và chính bản thân họ đã tự đẩy mình vào vị thế kém hơn.
    Những người Đức kì thị người Do thái ngày xưa chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có ngang vị thế với người Do Thái nếu họ không thay đổi suy nghĩ của họ.
    Nước Đức ngày nay đã khác nhiều, tuy nhiên, nó vẫn còn nhiều "tàn dư" của lối nghĩ cũ.
    Đối với Việt nam, em thực sự buồn cười, thậm chí còn hơi đánh giá thấp những người có tâm lý "bầy đàn" tại miền Nam khi họ "kì thị" dân Bắc.
    Em nói điều này, có thể nhiều người phản đối, nhưng theo em, chất lượng dân ở miền Nam có thế "đều" hơn miền Bắc bởi điều kiện khí hậu và những ưu đãi tự nhiên.., song chưa bao giờ em nghĩ người miền Nam hơn người miền Bắc.
    Cũng vậy, từ những năm ở tuổi trưởng thành, em cũng chưa bao giờ nghĩ là người Cộng sản văn minh hơn văn minh phương Tây hoặc văn minh Âu Mỹ mà đạo Chúa, theo em, chính là nền tảng cho văn minh đó.
    Giáo hội có những sai lầm vì phàm là con người, không thể không. Tuy nhiên, nhìn nhận được sai lầm là yếu tố tiên quyết để thành công.
    Em sợ nhất những kẻ không bao giờ thấy mình sai cả, lúc nào cũng "thành công rực rỡ".
    Ngày xưa, ở Việt Nam, người vô thần kì thị người Công giáo.
    Em thích nói là ngày xưa, ở Việt Nam, người vô thần có cách đối xử phân biệt với người Công giáo bởi vì người vô thần còn phải học nhiều để có thể bằng được người Công giáo, chưa nói đến việc là họ có "kì thị" nổi được người Công giáo hay không.

    Em là người thích ngôn ngữ và thường để ý từng góc cạnh của từng từ ngữ.
    Em ghê tởm tâm lý "bầy đàn" và có thể chính vì vậy, khi nghe chữ "kì thị" là phát sốt, phát rét lên nên nhiều khi "giận mất khôn", hiểu sai ý nghĩa từ cũng nên.

    Chúc chị khoẻ!
    HQ

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?

Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?