Đọc "Mạt Lộ" của Đào Hiếu


Câm lặng...
Chìm đắm trong suy nghĩ...
Buồn!
Đứa thứ 3 nhà tôi, 12 tháng tuổi hơi bị sốt.
Hai đứa kia vẫn vui đùa, nhảy nhót.
Chúng nó vẫn chưa hiểu cuộc đời sẽ dành cái gì cho chúng.

Đánh răng cho đứa con gái 4 tuổi. Tôi bảo: "Bố không đánh răng cho con mãi đâu nhé. Khi nào con lớn, con phải tự đánh răng lấy".

Nó bảo: "Con lớn bằng từng nào thì người ta chôn bố xuống đất?".

?!

Nó vẫn hay lạc đề như thế!

Chẳng là, hôm tết, theo thường lệ, cả nhà vợ về thăm mộ các cụ, mẹ nó bảo là khi nào chết, người ta chôn các cụ xuống đất như thế.

Nó cũng có vẻ hiểu.

Sáng hôm qua, cả nhà đi chơi, thăm một khu đô thị mới. Ở đó cũng có một nghĩa địa. Tôi dừng xe lại chỉ cho các con và bảo:
-Khi nào chết, người ta sẽ "chuyển nhà" ra đây ở.

Con gái 4 tuổi lại hỏi:
-Thế ở một mình hả bố?

-Ừ!
Tôi trả lời.

Đời chẳng dài lắm. Tôi năm nay đã 45. Tôi bảo con gái:
-Khi nào con bằng tuổi bố thì người ta sẽ chôn bố xuống đất.


Tôi buồn chuyện gì nhỉ?

Đọc sách cấm "Mạt lộ" của Đào Hiếu. Sách còn có tên khác là "Về đâu?".
Một xã hội màu đen... đen lắm!

Có thật thế không?
Họ - các nhân vật, cứ nhảy nhót trong cái đầu tội nghiệp của tôi (Vương Gia, Thu, Mười Đạt, Minh, Huy, đại uý Quỳnh, Trần Vũ, Ba Trần, Trúc, Akinari, mỗi nhân vật đều được Đào Hiếu lột tả trần trụi, đau đớn, xót xa).

Ông nói về mọi chuyện trong xã hội Việt Nam một cách cay đắng, giản đơn, một màu tối (ánh sáng? Có chăng, chỉ le lói), thông qua các nhân vật và tất nhiên, ông nói theo cách nhìn của ông.

Về sự chết, ông viết:

Một bữa nọ, trên đường từ trường về, nó hỏi:

“Ông nội ơi, con ốc sên có răng không?”

“Chắc là không. Nó chỉ có cái lưỡi mềm dùng để di chuyển và để nuốt thức ăn.”

“Không phải đâu. Nó có răng đó.”

“Con đọc ở đâu vậy?”

“Con xem trên đài Discovery. Người ta nói trong lưỡi của con ốc sên có hai hàng gai, đó chính là răng của nó, dùng để bắt những con côn trùng trên đường nó di chuyển.”

Bé ngồi sau xe, lấy mấy ngón tay sờ tóc trên đỉnh đầu tôi. Lại nói:

“Tóc ông nội rụng nhiều quá. Sắp hói rồi đó.”

“Đó là tuổi già đấy con ạ.”

“Tại sao vậy?”

“Tại vì tạo hóa chậm hiểu lắm.”

“Tạo hóa kém thông minh sao?”

“Ừ, kém thông minh. Tạo hóa không biết rằng con người khác xa với cây cỏ, khác xa cầm thú. Con người biết thay đổi thế giới và sáng tạo ra thế giới, con người có ý thức về sự sống và sự chết. Sao lại bắt con người chịu chung một quy luật giống như cây cỏ và cầm thú? Sao lại bắt con người phải chết?”

Tôi cảm nhận một sự im lặng khác lạ sau lưng tôi. Nó kéo dài. Như có một cái gì đó đang ngừng lại. Tôi dừng xe, ngoái nhìn bé, thấy trên má nó có hai giọt nước mắt. Tôi hỏi:

“Sao con khóc?”

“Một ngày nào đó con cũng sẽ chết sao?”

Câu hỏi của đứa bé mười hai tuổi bắn vào tim tôi như một mũi tên bất ngờ. Tôi nhìn thấy cái bóng của thời gian như một vùng sương mù xám xịt đang lởn vởn trên ngọn cây, làm tôi hoảng hốt. Tôi dựng xe, bế bé lên và ôm nó vào lòng.

Nó òa khóc.


Đào Hiếu vào Đảng Cộng sản Việt nam năm 68.

Năm 1970 ông bị bắt quân dịch cho Việt Nam Cộng Hoà.

Sau đó, ông vào Sài Gòn bắt liên lạc với Tổng hội sinh viên hoc sinh để tiếp tục hoạt động chống Mỹ đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Ông tốt nghiệp cử nhân văn chương trước 1975 tại Sài Gòn, từng làm phóng viên báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ.

Hiện Đào Hiếu sống và viết tại TP. Hồ Chí Minh.

"Mạt lộ" hay "Về đâu?" của Đào Hiếu làm ta khựng lại, hoang mang về xã hội ta đang sống. Chắc chắn, trong xã hội có nhiều loại người như Đào Hiếu miêu tả, nhưng tất cả là như vậy sao?

Tôi bàng hoàng, suy nghĩ và thầm cảm ơn tác giả đã cho tôi thấy mảng tối, thật tối của cuộc đời.
Tất nhiên, tôi không thể tin hẳn Đào Hiếu được.

Trong bài "Đọc và xem Mạt Lộ của Đào Hiếu", Nhã Nam viết:
"Chưa đọc vội, hãy nhìn vào tên nhà xuất bản với cỡ chữ khá lớn: LỀ BÊN TRÁI. Chắc hẳn nhiều người sẽ mỉm cười, cái cười ý nhị nhưng sảng khoái (đã có "lề bên phải" theo định hướng thì ắt phải có lề bên trái thôi).

Vậy, tuy là Đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng Đào Hiếu có vẻ không "thân Cộng" lắm. Ấy thế mà trong một bình luận của bạn đọc được đăng trên "blog" cá nhân của Đào Hiếu lại có ông HOÀNG HỒ viết mắng Đào Hiếu rằng:

"Anh vẫn chỉ là một thằng Việt cộng ngu xuẩn như 35 năm về trước thôi... chả khác gì".

Với cái đầu óc "bã đậu" của tôi, thực sự, tôi không hiểu gì cả (!?)

Đang tiếp tục bị "hội chứng Đào Hiếu" bởi khả năng dùng bút của ông, tôi lại đọc được bài: "Đào Hiếu, từ 'Lạc Đường' đi vào 'Mạt Lộ' ” của Đỗ Văn Minh.

Đỗ Văn Minh - một người không thích Cộng sản, đã viết cho Đào Hiếu:
- Tôi sẽ không có thời giờ viết cho ông nữa, nhận xét về ông nữa, vì tôi sẽ không mất công đọc thêm nhưng gì ông viết. Đủ lắm rồi!

Ông Minh chán Đào Hiếu lắm!
Tôi cũng chán lắm, nhưng khác ông Minh, tôi vẫn tiếp tục đọc Đào Hiếu để nghiên cứu những thông tin "lề trái".

Bản thân Đào Hiếu cũng viết trong bài "Đào Hiếu - Phát hiện ở quán cà phê" như sau:
-Tôi đã chứng minh bằng chính bản thân mình, các anh không tin sao? Hay là các anh cũng nghĩ tôi là cò mồi, là công an văn hóa?

Và cũng trong bài đó, Đào Hiếu dẫn câu của Nguyễn Gia Kiểng trong bài Tổ quốc của kẻ sĩ:

"Một dân tộc gồm toàn những người khôn là một dân tộc rất đần độn".

Đào Hiếu viết tiếp:
-Các anh nghĩ chúng tôi là ai? Háo danh? Chơi nổi? Thích chính trị? Muốn làm bộ trưởng? Muốn lập đảng phái này nọ?

Ở tuổi 65, Đào Hiếu còn mơ làm Bộ trưởng chắc?
Tôi không tin vậy!
Ông chỉ muốn nói những gì ông muốn nói.

Hôm nay, khách mua đàn, có cô gái kém tôi khoảng 10 tuổi, làm ở Bộ Ngoại giao, mảng người Việt ở nước ngoài. Cô ấy sắp sang Đức học về Luật quốc tế.

Nói về tình hình mâu thuẫn của người Việt nói chung, cô ấy bảo:

"Khi nào thế hệ này chết đi, thế hệ sau tuy vẫn bị ảnh hưởng, nhưng chắc chúng nó sẽ có cái nhìn thoáng hơn".


Tôi phải hiểu ra sao?




HQ

Comments

  1. Hi Quang,

    Em làm cho chị cũng phải đọc Đào Hiếu! Mặc dù rất bận, quả thật vậy.

    Về câu nói của cô gái mua đàn, có lẽ cô ấy đúng! Thế hệ của chúng ta đã quá già để thay đổi, và những gì mình đã trải qua cũng quá nghiệt ngã nên đã khắc quá sâu vào tâm khảm, để có thể phai mờ.

    Nên ai đó, hình như là Vũ Thành An (một nhạc sĩ thành danh ở miền Nam trước 1975, nhưng là người Bắc di cư) đã phải viết

    Hãy cố yêu người mà sống
    Lâu rồi đời mình cũng qua


    mà Quang!

    PA

    ReplyDelete
  2. Cũng như chị, em cũng quá bận (nhất là "con mọn" như em!), nhưng đã bỏ ra mấy ngày để đọc Đào Hiếu.
    Đối với cái tuổi như em và như chị, thời gian không còn quá nhiều để mình lãng phí. Tuy nhiên, em đã không ân hận khi đọc Đào Hiếu.
    Để viết được những bài viết như vậy (đúng, sai ta chưa bàn đến), em nghĩ, Đào Hiếu đã mất gần như cả cuộc đời sống hết mình.
    Vậy, việc mất một vài ngày để có "thu hoạch" nào đó từ một con người đặc biệt như Đào Hiếu là điều mà em thích.
    Kinh thánh đề cập rất nhiều đến suy nghĩ của chị trong "comment": yêu thương, tha thứ.

    Em nghĩ em hiểu những người Cộng sản và những người Quốc gia và thực sự, em không ghét ai cả.
    Vì vậy, em chỉ nêu vấn đề.
    Ở tuổi 45, rất may, em đã có câu trả lời cho những vấn đề em nêu ra.
    Cảm ơn chị nhiều vì chị đã hiểu thực sự những điều em muốn nói sau bài viết:
    "Nếu ai đó sống không biết tha thứ thì đừng sống nữa, chết đi còn hơn.
    Và sự chết của họ, theo tôi, sẽ có lợi cho cộng đồng ".

    Có thể có người cho em là người cơ hội, nhưng "sống đâu, âu đấy", "ăn cây nào, rào cây ấy" và em biết làm sao?
    Ở Việt Nam, mình không thể nói hết những gì mình nghĩ. Mình không thể bảo một người đàn bà rằng:
    "Sao chị dạo này nhìn già thế? Da nhăn nheo hết rồi..lại còn những nếp nhăn trên mặt nữa kìa (!!!???)" và...
    đối với văn minh Âu - Mỹ, mình không thể bảo:
    "Ơ, chị dạo này nhìn béo thế(!!!???), chị bao nhiều tuổi rồi...!!!".
    Họ sẽ không chơi với mình nữa, họ coi mình đã xúc phạm họ dù đó là sự thật đi nữa.

    Bằng vốn sống ít ỏi của mình và mất vài ngày đọc Đào Hiếu để viết được vài dòng, mong giúp ích cho mình, cho đời.

    Cám ơn phản hồi quí giá của chị!
    Bài ca không tên số 5 của Vũ Thành An đây chị ạ, em thích nó lâu lắm rồi.

    http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=lRXY2EpDG-

    Ở Việt Nam, vẫn còn có những con người có thể viết được những bài hát như vậy chị ạ.
    Họ đã, đang và sẽ đưa ý tưởng của họ qua các bài hát, bài viết; qua sản phẩm vật chất và tinh thần của họ cho xã hội....
    Tóm lại, họ đã, đang và sẽ nhả những "sợi tơ" trong suốt và long lanh.

    Em vẫn luôn theo dõi "blog" của chị, của bác Hải, nhưng em chỉ nói khi nào em thực sự muốn nói.

    Chúc chị khoẻ và một lần nữa cám ơn chị!

    Em Quang

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?

Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?