Học nhạc như thế nào và những quan điểm về âm thanh

U là viết tắt của Upright piano - tức đàn đứng (không phải đàn đại dương cầm, đàn nằm - grand piano, như những cây đàn cánh dơi, có 3 chân, hình na ná giống quả tim, có khi dài vài mét, hay để ở những không gian lớn như nhà hát lớn, sảnh khách sạn...).

Nếu tôi không nhầm thì U1, U2, U3 là cách do hãng Yamaha đặt ra để so sánh độ to nhỏ của đàn.
U1 cao 1.21m, tính từ đất lên tới nóc đàn, U2 - 1,27m và U3 - 1,31m.


                       Underground Station 
    
Chiều ngang của phím đàn được làm theo tiêu chuẩn nên chiều ngang của các loại đàn, vì thế, không khác nhau bao nhiêu.
Chiều dày của U1,U2,U3, theo tôi, không khác nhau quá 3cm.

Ba anh em tôi học nhạc từ năm 6 tuổi vì bố dạy nhạc lý, xướng âm (cách đọc và cách nghe nốt nhạc để phân biệt âm thanh cao thấp) tại Nhạc Viện Hà Nội từ những ngày mới thành lập nên đã hướng anh em tôi theo nghề. Ba anh em tôi đều có thể chơi piano kha khá, ít nhất là hơn một số bạn học chơi nghiệp dư. Tuy vậy, sau mấy chục năm làm nghề , tôi mới biết thế nào là U1, U2, U3 từ khoảng một chục năm nay khi đi sâu vào lĩnh vực kinh doanh piano. Nếu cụ Văn Cao hoặc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống mà hỏi cụ và nhạc sĩ về U1, U2, U3, có lẽ họ sẽ tưởng mình nói đến ga tàu điện ngầm tầng 1, tầng 2, tầng 3 gì đó (Underground Station).


Vậy, U1, U2, U3 để làm gì, có ý nghĩa gì không?

Piano là nhạc cụ cổ điển. Vì vậy, không khuếch đại âm thanh nhờ kĩ thuật điện tử vì đơn giản là thời cổ điển, chưa có kĩ thuật này.
Khi để piano trong không gian lớn, thùng âm phải to thì mới đáp ứng được không gian của người nghe. Vì vậy, có đàn piano nhỏ, piano to. Xu hướng cổ điển muốn âm thanh phải hoành tráng, vang xa mà không cần sự hỗ trợ của kĩ thuật điện tử. Họ muốn nghe cái thật của âm thanh. Ngày xưa, bạn thấy, ca sĩ opera không bao giờ cầm micro vì họ có muốn cũng chẳng có mà cầm; ngày nay, đa số cũng vậy. Có lẽ họ tôn trọng truyền thống (?).

Tuy nhiên, nếu bạn để đàn quá to trong không gian quá nhỏ thì nó sẽ bị oang giống như vặn loa quá to trong không gian nhỏ. Loa có thể vặn nhỏ được, nhưng đàn phải chơi đúng cường độ của nó, không vặn nhỏ được, chơi nhẹ tay quá sẽ thành thói quen và sẽ không chơi to được nơi công cộng.

Nghệ sĩ piano, khi ra biểu diễn, thường phải chơi trên nhạc cụ có sẵn trên sân khấu (thường là đàn đại dương cầm, phím nặng, âm thanh hoành tráng) nên khi tập ở nhà, để khỏi bị "lạ" đàn, họ cũng thường mua đại dương cầm hoặc nếu không có điều kiện, họ thường chọn những cây đàn to như U3, có độ nặng của phím kha khá.

Đó là ý thích của những nghệ sĩ piano cổ điển, chuyên nghiệp.
Khi điều kiện không có, chỉ chơi nghiệp dư hoặc chơi nhạc nhẹ, nghệ sĩ muốn gì?


Tất nhiên, âm nhạc không thuần tuý chỉ có âm nhạc cổ điển. Nó còn có âm nhạc dân gian, pop, rock, jazz.., tóm lại, âm nhạc của nhân dân.

Nhạc dân gian có bác học không?
Tất nhiên là có, đặc biệt là nhạc Jazz. Nghe nhạc cổ điển, bạn còn có cơ để hiểu được; nghe nhạc Jazz, bạn không có nhiều cơ hội lắm nếu bạn không thực sự tôn trọng và lắng nghe.

Các cụ bảo "dân gian". Có lẽ là dân thì "gian" nên "chơi" với dân tưởng dễ nhưng lại chẳng dễ. Nghe nhạc của dân cũng vậy (?).

Theo Khâm định Việt sử, tháng Tám, mùa thu, năm Nhâm Tuất 1202 vua Lý Cao Tông sai nhạc công đặt ra nhạc khúc gọi là 'Chiêm Thành âm'. Nhạc khúc này giọng sầu oán não nùng, ai nghe cũng rỏ nước mắt. Nhà sư Nguyễn Thường nói rằng: “Tôi nghe nói: thanh âm của nước loạn thì ai oán giận hờn. Nay chúa thượng rong chơi vô độ, kỷ cương triều đình rối ren, lòng dân ngày một ly tán. Tiếng nhạc ai oán làm não lòng người! Đó là triệu chứng bại vong”. Chỉ hơn hai mươi năm sau, nhà Trần đoạt ngôi của họ Lý.

Bài viết của Trương Thái Du.
Nguồn: Dr Niko Blog


Cũng chẳng phải vô lý khi người ta bảo nghe nhạc của dân thì biết vận nước.

Âm nhạc của dân nó như vậy nên nếu ai cho rằng chỉ có âm nhạc Thánh đường, âm nhạc cổ điển là kiểu mẫu, là bác học; đàn piano chỉ có đàn to, đàn U3 hoặc "ga tàu điện tầng 3" mới hoành tráng , mới hay thì theo tôi, quan điểm đó không hợp thời lắm.

Xu hướng các nghệ sĩ Jazz thích chơi trên những cây đàn piano phím nhẹ, âm thanh đanh, thánh thót là điều không hiếm. Họ có thể chơi trên những cây đàn phím nặng, âm thanh ấm và ngược lại, họ có thể chơi trên những cây đàn phím nhẹ, âm thanh đanh, thánh thót như tôi nói ở trên và họ luôn tìm thấy cái hay.

Theo tôi, đừng xác định quá nhiều qui chuẩn nào đó trong quá khứ áp đặt vào đời sống ngày nay. Thế giới muôn hình, muôn vẻ, biến hoá. Tất nhiên, cổ điển là nền tảng như cái gốc cây, nhưng gốc cây không ra hoa, kết trái, không phát triển theo thời gian thì chỉ là gốc cây cụt, khô cằn.

Phát triển của thế giới đẹp nhờ sự ra hoa kết trái từ cổ đến kim.

Vậy, nên mua U1, U2, hay U3?

Theo tôi, U nào cũng được, miễn là học được ./.




HQ

Comments

  1. "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" (lặp lại câu hát có vẻ rất ấn tượng với HQ). Niềm vui của ngày hôm qua của em là anh HQ tư vấn giúp để mua cây đàn UX cho con trai :). Vâng, U gì cũng được, miễn là đàn tốt, các con thích học, và sẽ học tốt! :)

    Hì hì, đàn em mua dán mác HQ tư vấn rồi nhá, có gì thì cũng sẽ "bắt đền" HQ :D

    ReplyDelete
  2. Cám ơn anh/chị và gia đình đã tin tưởng và có lời động viên.

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?

Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?