Lập luận trong bài viết "In God We Trust" của ông Charlie Nguyễn có đúng không?

Có lẽ sự chia rẽ là cái đáng sợ nhất của người Việt. Cái ranh giới giữa tự tin và kiêu ngạo rất mong manh. Chỉ có một trong hai lựa chọn để sự khiêm nhường được đảm bảo là tin vào chính mình hoặc tin vào Tạo Hóa. Nói vậy không có nghĩa là những kẻ tin vào Tạo Hóa không cố gắng. Tôi tin rằng họ rất cố gắng, thậm chí còn trên mức cần thiết, song khác với những người luôn tin ở chính mình, họ luôn cho rằng "mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên".

Điều đó sẽ làm cuộc sống nhẹ nhàng hơn nếu bạn tự chất lên mình mọi trách nhiệm của Tạo Hóa.

Chiến tranh đã trôi qua, có thể sẽ lại có chiến tranh nữa nếu chúng ta đối xử không khéo hay chúng ta không may mắn. Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh (If you wish for peace, prepare for war) là câu nói được nhiều người hưởng ứng.

Chẳng thế mà con đại bàng đầu nhẵn (Bald Eagle), hình ảnh được in trên đồng một đô la (hay được khắc trên Quốc Ấn 'Great seal of the united states' hoặc Quốc hiệu) với hai chân, một bên quặp 13 cành olive, bên kia 13 mũi tên, luôn là là biểu tượng về phương thức ngoại giao được duy trì ở Mỹ cho đến ngày nay.
Đầu con đại bàng quay về phía cành Olive tượng trưng cho lòng mong muốn hòa bình; mũi tên tượng trưng sức mạnh, luôn sẵn sàng chiến tranh.
Chúng ta cũng không lạ gì với "Cây gậy và củ cà rốt" (tiếng Anh: carrot and stick) là một loại chính sách ngoại giao trong quan hệ quốc tế, thường được dùng bởi các nước lớn nhằm thay đổi hành vi của các nước nhỏ hơn.
'Cây gậy' tượng trưng cho sự đe dọa trừng phạt, 'củ cà rốt' tượng trưng cho quyền lợi hay phần thưởng (Theo wikipedia).
Nói cho dân dã, "cây gậy và của cà rốt" là chính sách của thằng mạnh đối với thằng yếu. Thằng yếu có lẽ như con thỏ, thằng mạnh như thằng người có cái gậy. Mày nghe lời thì tao cho mày củ cà rốt mà ăn; mày không nghe lời thì tao lấy gậy vụt. Nghe mà suy nghĩ, tự thấu hiểu, không nói nhiều...

Với quan điểm này, việc chạy đua vũ trang là khó tránh khỏi. Việt Nam sẽ mua thêm tàu ngầm, Trung Quốc sẽ tăng chi phí quân sự, Ấn độ và các nước khác cũng không phải trường hợp ngoại lệ....,
...và kẻ đói thì vẫn đói, trẻ em vẫn không có ăn, nhưng kẻ sản xuất vũ khí thì vẫn trở nên giàu có.

Không biết lịch sử loài người thực sự đã trải qua bao nhiêu năm, song ta thấy con người tuy phát triển lên rất nhiều, không còn tàn bạo dã man như thời sơ khai, nhưng cơ bản vẫn là sự giành giật hơn thua, muốn mình là nhất.
Người ta cũng nói đến những nền Văn minh, nhưng đến nay, không thể phủ nhận, nền văn minh của người da trắng đã thống lĩnh với những phát minh lớn, giúp con người ở những quốc gia họ sống được giải phóng về nhiều mặt.

Châu Âu, sau đó là Mỹ là điển hình của sự phát triển của lòng tin và ý chí:  họ giăng buồm ra khơi, không sờn lòng trước cái chết, xuyên qua bão táp vì muốn biết bên kia bờ đại dương là cái gì; họ nhìn con chim và muốn bay như nó; họ nhìn thấy quả cầu sáng ở trên không trung và muốn bay lên....



Trong Tuyển tập độc thần của tác giả Charlie Nguyễn, tôi đọc bài "In God we trust" của ông. Có lẽ ông Charlie Nguyễn đã mất, tôi không có ý định tranh cãi với ông vì không ai có thể tranh luận với người đã khuất, song những gì ông viết đã để lại không ít vấn đề mà theo tôi sẽ ảnh hưởng không nhỏ; và đối với tôi, ảnh hưởng đó là tiêu cực.
Tôi cũng chẳng có ý định khoe mình vì bản thân là người tự cho là không thành đạt, chỉ tự vừa lòng với bản thân, không có bằng đại học hay học vị giáo sư, tiến sĩ (tiêu chí dường như được đặc biệt tôn trọng ở Việt nam)...

Mong muốn duy nhất của tôi là muốn nói cho mọi người biết quan điểm của ông Charlie Nguyễn theo tôi là không đúng.



Ta hãy cũng bắt đầu xem ông Nguyễn viết gì:



Trong bài viết "Trở Lại Vấn Đề: Alexandre de Rhôdes và Chữ Quốc Ngữ", ông Nguyễn trích dẫn câu của ông giáo sư Nguyễn Văn Kiệm:

"Các giáo sĩ thừa sai, trong đó có Alexandre de Rhôde, đã gây nên một cú sốc lớn đối với đời sống tâm linh và văn hóa của dân tộc ta … làm băng hoại nền tảng của cộng đồng. Họ mang mặc cảm tự cao cho rằng Cơ Đốc giáo là tôn giáo hoàn vũ, cao siêu hơn bầt cứ tôn giáo nào khác …. Do đó, họ coi các tôn giáo truyền thống bản địa đều là thấp kém, man muội cần phải xóa sạch để thay thế bằng Cơ Đốc giáo. Sự cấm đạo của nhà cầm quyền Việt Nam và tâm lý bất hòa giữa lương giáo trong dân chúng còn kéo dài đến ngày nay chính là những phản ứng tất nhiên chống lại sự xúc phạm đó và đồng thời là một hành động tự vệ chính đáng của một dân tộc đã có một nền văn hóa định hình và một ý thức tự tôn dân tộc cao".

Tự tôn là vấn đề tôi cũng muốn nêu ra ở đây.
Ai cũng có suy nghĩ tự tôn - cá nhân hay đất nước. Chính điều này đã tạo ra sự chia rẽ. Người Pháp với Napoleon, Đức với quan niệm "dân tộc thượng đẳng", người Nhật đi theo người Đức trong đại chiến II....
Quan điểm này đưa con người lên trên tất cả, cá nhân mình là nhất, bất chấp khả năng thực sự của họ ra sao.
Tự tôn mà không biết bản chất thực của mình ra sao thường gây ra chiến tranh, chia rẽ, mộng mị vì đơn giản là luôn tự cho mình là tâm điểm, là cao tuyệt đối...

Về văn hóa, có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng đối với riêng tôi, văn hóa là từ mang tính tích cực. Theo Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam - Bộ Giáo dục và đào tạo, do ông Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa – Thông tin, xuất bản năm 1998, thì: "Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử ".
Tôi cho rằng từ "giá trị" được dùng ở đây chắc phải là những gì mang tính tích cực. Người Việt cũng hay nói kẻ này có văn hóa, kẻ kia vô văn hóa. Nếu hiểu theo khía cạnh này, tôi cũng cho văn hóa là những gì hay ho, gần với văn minh, ít nhất là trong cách suy nghĩ của người Việt.
Dựa vào những điều đó và suy nghĩ cá nhân, tôi cho văn hóa là từ mang tính tích cực (positive) chứ không phải tiêu cực (negative), và nhất quyết không mang cả 2 tính chất - tích cực và tiêu cực, như một số quan điểm.

Tôi cũng cho rằng tín ngưỡng cũng được nhiều người liệt vào văn hóa. Nếu văn hóa du nhập vào Việt nam thiếu vắng Khổng giáo, Phật giáo hoặc tín ngưỡng dân gian đền, đình, miếu của ta, thì không thể gọi là văn hóa nữa. Tôi cũng hiểu là cái "nền văn hóa định hình" mà ông Charlie Nguyễn trích dẫn của ông Nguyễn Văn Kiệm cũng bao gồm những cái đó.

Theo Wikipedia, "nhiều nhà giáo dục thấy rằng Kinh thánh Ki-tô đã ăn rễ vững chắc vào văn hoá phương Tây đến nỗi 'bất cứ ai, dù có niềm tin hay không, nếu không quen thuộc với các giá trị và giáo huấn của Kinh thánh sẽ trở nên dốt nát về văn hoá' ".
Vậy, nếu coi tôn giáo là một phần của văn hóa thì Kinh thánh (bao gồm Cựu ước Tân ước) không thể thiếu trong đó, hay nói đúng hơn là chính Kinh Thánh đã định hình văn hóa Phương Tây.

Xin nói thêm "Kinh thánh có lẽ là bộ sách gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử loài người. Số bản in Kinh thánh vượt mọi sách khác. Kinh thánh Do Thái giáo cũng như Kinh Thánh Kitô giáo được dịch nhiều lần, sang nhiều ngôn ngữ hơn bất cứ sách nào khác. Kinh Thánh trọn bộ, hoặc một phần, đã được dịch sang hơn 2.100 ngôn ngữ của 90% dân số thế giới. Kể từ năm 1815, ước tính có khoảng hơn 5 tỉ ấn bản Kinh thánh trọn bộ hoặc các phần quan trọng của Kinh Thánh được phân phối, trở nên sách bán chạy nhất trong mọi thời đại" (Theo Wikipedia).


Vnexpress vừa đăng bài "Bin Laden từng khuyên con đi học Mỹ", trích lời của ông anh vợ thứ 5 của Bin Laden, nói trùm khủng bố đã khuyên các con mình: "...phải sống trong hòa bình,... hãy đến châu Âu và Mỹ để hưởng một nền giáo dục tốt...".
Câu chuyện nghe có vẻ hài hước, một kẻ thù không đội trời chung với Âu - Mỹ, có suy nghĩ và theo một thứ tạm coi là "văn hóa" chống Mỹ đến cùng như ông ta lại khuyên con mình đi học Âu - Mỹ. Có thể đó là câu chuyện đùa và có thể là thật, nhưng ít ai trong chúng ta có thể phủ nhận nền văn minh Âu - Mỹ, không thể thiếu vắng Kinh thánh đó, đã giải phóng con người ở quốc gia họ từ vật chất đến tinh thần ở mức độ nào.

Vậy, tinh thần tự tôn liệu có đúng không khi chúng ta tự nhìn lại mình xem thực chất mình có những gì để có thể giương cao ngọn cờ thêu hai chữ "tự tôn".
Tôi cũng không có ý so sánh mang tính nhục mạ nhưng với tư cách cá nhân của Bin Laden và những người theo ông, có lẽ họ cũng tự cho là mình có một nền "văn hóa định hình" với lòng "tự tôn" rất cao để lấy lý do tinh thần chống lại cái văn hóa, được cho là không đội trời chung với họ - văn hóa Phương Tây.

Một điều nữa chúng ta cũng nên bàn tới là Kinh thánh, căn bản của Ki tô giáo, từ đầu đến cuối, bạn không thể tìm thấy một dòng mà Đức Chúa Trời tôn cao loài người.
Đấng Thánh được tôn cao duy nhất suốt chiều dài Thánh Kinh luôn là Đức Chúa Trời chí cao và Chúa Giê xu, con độc sanh của Đức Chúa Trời và chính là Đức Chúa Trời hóa thân làm người.

Trong bài "In God we trust", ông Charlie Nguyễn đã nhấn mạnh khái niệm "xâm lăng" văn hóa khi ông cho rằng việc truyền đạo Chúa vào Việt nam từ trước đến nay chỉ phục vụ cho ý đồ đen tối là chinh phục thế giới bằng văn hóa rồi sau đó bằng bạo lực; nói rõ hơn, đạo Chúa như một vũ khí văn hóa để kẻ "xâm lăng", sau khi chinh phục bằng bạo lực, có thể thay đổi suy nghĩ, tập quán của dân tộc bị xâm lăng theo chiều hướng có lợi cho mình.
Ông cũng nhấn mạnh về những "kẻ" theo đạo Chúa khi ông viết:

"Ngày nay, mặc dầu không còn bóng quân xâm lược trên lãnh thổ Việt Nam nhưng vẫn còn tồn tại một đạo quân thứ năm không nhỏ của địch, dưới hình thức một giáo hội nô lệ ngoại bang nằm vùng thường trực trong lòng dân tộc".

Trong khi Nhà nước đang kêu gọi "Hòa hợp, hòa giải dân tộc", trong khi chúng ta đang gặp "vấn đề" về chủ đề tôn giáo, những lời được cho là "cảnh báo" của ông Nguyễn liệu có đem lại sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân theo Chúa và Chính quyền Việt nam hay không; hay vô tình khoét sâu vào vết thương hay nỗi đau của dân tộc về vấn đề được cho là tôn giáo?

Ông Nguyễn còn cho rằng "thông thường, họ luôn luôn tuyên truyền rằng nước Mỹ giàu mạnh nhất thế giới và Tin Lành là quốc giáo của nước Mỹ. Do đó, ai chịu cải đạo theo Tin Lành chắc chắn sẽ được giúp đỡ về mọi mặt, tinh thần cũng như vật chất, nhất là sẽ được dễ dàng nhập cư Hoa Kỳ để sống một cuộc đời giàu sang hạnh phúc...!".

Tôi không biết ông Charlie Nguyễn là ai, chỉ mới đây, tôi mới tình cờ đọc được và thấy một số người đã "copy" bài viết của ông và có vẻ như làm cơ sở lý luận cho mình. Ông Nguyễn đã nói đến một vấn đề quá lớn với một suy nghĩ tôi cho không đúng. Bản thân tôi là một người theo Tin Lành 20 năm nay, tôi chưa từng thấy một người truyền đạo nào nói sau khi tôi "cải đạo" có thể "dễ dàng nhập cư Hoa Kỳ để sống một cuộc đời giàu sang hạnh phúc...!".
Tôi chỉ được dạy là nếu tôi tin Chúa, sống cuộc đời vì Chúa thì sẽ được bình an, hạnh phúc và đầy ơn phước.
Về pháp lý, việc tin Chúa không liên quan gì việc bạn có nhập cư Hoa Kỳ được hay không.


Việc ông Nguyễn đề cập nữa là Tin lành có phải là quốc giáo của Mỹ hay không:

Theo wikipedia, "Quốc giáo (còn được gọi là một tôn giáo chính thức, hay tôn giáo quốc gia) là hệ thống tôn giáo hay tín ngưỡng chính thức của một quốc gia đựơc nhà nước nước đó công nhận. Thực tế, một nhà nước mà không có một tôn giáo nhà nước được gọi là một nhà nước thế tục, trong khi một nhà nước được cai trị bởi các giáo sĩ hay tăng lữ là một chế độ thần quyền".

Nếu theo định nghĩa trên, tôi cũng cho rằng Tin Lành không phải quốc giáo của Mỹ.

Đọc bài viết của ông Nguyễn, ta dễ dàng nhận thấy ông công nhận số đông người Mỹ theo đạo Chúa. Quan điểm của ông là: "Hoa kỳ từ ngày lập quốc năm 1776, dân số Mỹ là 2 triệu rưỡi, 60% là người Anh – đa số theo tin lành, còn lại là Anh giáo – 12% là những người Tô Cách Lan, Hòa Lan và Đức, đa số cũng theo Tin Lành – 28% còn lại là những người nô lệ da đen, không có quyền công dân".

Sau đó, ông viết:

"Trên khắp nước Mỹ, đi đâu chúng ta cũng thấy san sát những giáo đường lớn nhỏ và ở mọi nơi mọi lúc người ta thường nói nhiều đến Thượng Đế (GOD)"

Nhưng ngay sau đó, ông viết tiếp:
"..vấn đề quan trọng không phải ở số đông. Vấn đề chủ yếu là những người lãnh đạo ở thượng tầng nước Mỹ quan niệm thế nào về Thượng Đế".

Các bạn chắc đều biết câu "Một con én không thể làm nên mùa xuân".
Tôi thấy quan điểm đề cao cá nhân lại được ông Nguyễn lặp lại phía trên.

Qua bài viết đã đề cập, có lẽ cũng dễ nhận biết ông Nguyễn ủng hộ cái "Chủ nghĩa nhân đạo thế tục" hay nói dễ hiểu hơn là nền dân chủ Mỹ. Tôi cũng trộm nghĩ, nếu chỉ cần cái "đầu tàu dân chủ" là có thể kéo những "toa tàu dân tộc" đi tới bến bờ "dân chủ" thì miền Nam Việt nam đã không thất bại trong việc gìn giữ nền dân chủ của mình dưới sự bảo trợ của Mỹ. Có thể hoàn cảnh Việt nam nó khác, nhưng chẳng phải tự nhiên mà ông Franklin đã nói tại buổi ký kết dự thảo Tuyên ngôn độc lập như sau: "Vâng, chúng ta bắt buộc phải như vậy, thay vì chúng ta bị treo cổ tất cả hoặc chắc chắn chúng ta sẽ bị treo cổ riêng rẽ." (Yes, we must, indeed, all hang together, or most assuredly we shall all hang separately).
Sự đoàn kết, sức mạnh tập thể là yếu tố cần thiết nhất để tạo nên thành công theo tiêu chí của con người.
Và từ đó, ta có thể suy ra cái gọi là văn hóa Mỹ hay sức mạnh của nó được khởi nguồn từ sức mạnh tập thể hay từ văn hóa của nó, mà văn hóa đó, theo tôi, có cội nguồn từ Thánh Kinh.

Tôi cũng thích câu nói của ông Lưu Á Châu trong bài "Tướng Lưu Á Châu bàn về văn hoá Trung Quốc" khi ông viết:

"Tôn giáo quyết định văn hoá mà văn hoá thì quyết định tính cách dân tộc; tính cách dân tộc lại quyết định số phận dân tộc"

Năm 1790, chỉ khoảng một tháng trước khi qua đời, Franklin đã viết bức thư sau cho Ezra Stiles, hiệu trưởng trường Yale, người đã hỏi ông về các quan điểm tôn giáo của mình...:

"Về Jesus xứ Nazareth, ý kiến của tôi về người ông ngưỡng mộ nhất, tôi nghĩ Hệ thống Đạo đức và Tôn giáo của Ông ta, như Ông ta để lại cho chúng ta hiện nay, là hệ thống tốt nhất thế giới từng biết hay có vẻ đã biết; nhưng tôi hiểu rõ nó đã phải chịu nhiều sự thay đổi sai lạc, và tôi có, cùng với đa số những người dị giáo tại Anh quốc, một số Nghi ngờ về thân phận thần thánh của ông ta; dù đó là một vấn đề tôi không dám võ đoán, chưa bao giờ nghiên cứu, và tôi nghĩ không cần thiết phải bận tâm tới việc đó ở thời điểm hiện tại, khi tôi chờ đợi một Cơ hội hiểu biết Sự thật với ít Cố gắng hơn...." (Xem nguồn dẫn)

Để "củng cố" thêm quan điểm của ông Nguyễn về "những người lãnh đạo ở thượng tầng nước Mỹ quan niệm thế nào về Thượng Đế", ông có dẫn chứng George Washington.
Ta hãy tìm hiểu wiki viết gì về niềm tin của Washington:

"Washington là một thành viên của Nhà thờ Anh Giáo đã 'thiết lập được địa vị' tại tiểu bang Virginia (điều đó có nghĩa là tiền thuế được dùng để trả cho các vị chức sắc giáo hội). Ông là một thành viên phục vụ trong ban điều hành Nhà thờ Christ tại Alexandria, Virginia và Nhà thờ Pohick gần nhà của ông trong đồn điền Mount Vernon cho đến khi chiến tranh bắt đầu....Khi làm tổng thống, ông khích lệ mọi người khi ông được người ta thấy tham gia thánh lễ tại vô số các nhà thờ trong đó có nhà thờ Presbyterian, Quaker và Công Giáo để chứng tỏ sự ủng hộ tổng thể của ông cho tôn giáo. Washington nổi tiểng rộng lượng. Ông tham dự nhiều sự kiện từ thiện và tặng tiền cho các trường, các đại học và cho người nghèo. Là công dân hàng đầu của Philadelphia, Tổng thống Washington dẫn đầu trong công cuộc cung cấp từ thiện cho các quả phụ và trẻ mồ côi trong thành phố thủ đô bị dịch sốt vàng hoành hành vào năm 1793"
(Nguồn tiếng Anh).

Hơn nữa, khi tôi đọc ông Nguyễn viết:
"Mặt trước của tờ One Dollar là hình vị tổng thống tiên khởi George Washington. Ông không thuộc một đảng hoặc một giáo phái nào",

tôi vẫn chưa tìm thấy ông Nguyễn đưa quan điểm này ra từ nguồn nào.

Ông viết tiếp về Washington:

"Khi ông lãnh đạo nước Mỹ dành độc lập từ tay người Anh thì ông là thủ lãnh của Hội Tam Điểm Mỹ (trụ sở đặt tại Alexandria thuộc tiểu bang Virginia). Mặc dầu lúc đầu lập quốc, tuyệt đại đa số dân chúng Mỹ theo đạo Tin Lành nhưng đạo này đã không thể trở thành quốc giáo. Cũng như trong hơn hai thế kỷ qua, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa luân phiên nhau lãnh đạo nước Mỹ nhưng không một đảng nào có thể đi tới độc tài. Đó là nhờ Hội Tam Điểm có những bậc minh triết (dấu mặt) điều khiển nước Mỹ như một siêu chính phủ (Super-government)".

Ông Nguyễn đã công nhận từ ngày lập quốc "tuyệt đại đa số dân chúng Mỹ theo đạo Tin Lành", một lý do tôi cho là cơ bản để hình thành văn hóa Mỹ; ông còn nói thêm về một quan điểm tôi cho là đề cao vai trò cá nhân khi ông lại nói về một hội có tên Tam điểm mà tôi xin phép được đề cập ngay sau đây.


Về khẩu hiệu hành động chính thức của nước Mỹ "In God We Trust", ông Nguyễn viết:

"Một điều rất cần phải nêu lên ở đây là những người Việt Nam ở Mỹ - Công giáo cũng như Tin Lành - cứ tưởng rằng chữ 'God' mà người Mỹ thường nhắc tới là Thiên Chúa của Ki-tô giáo (Christian God). Sự thật không phải như vậy. Chúng ta hãy lấy tờ One Dollar ra coi sẽ thấy: Kim tự tháp tượng trưng cho Trật Tự Thế Tục Mới (Novus Ordo Seclorum). Trên đỉnh Kim tự tháp là Con Mặt Thượng đế (All-seeing Deity) tượng trưng cho Đấng Toàn Năng của Lý Trí (God of Reason) hoặc còn được gọi là Thượng Đế của Tự Nhiên (Nature’s God)".

Tôi cũng chưa tìm thấy tài liệu nào nói kim tự tháp in trên đồng 01 dollar tượng trưng cho "trật tự thế tục" như ông Nguyễn viết. Tôi chỉ thấy con mắt Thượng đế ("Eye of Providence") được in trên nóc Kim tự tháp. Nó còn được biết đến là "All-seeing eye", tượng trưng với tia sáng, vinh quang và thường đóng khung bằng một hình tam giác. Nó đôi khi đại diện cho Mắt của Chúa canh giữ loài người (is a symbol showing an eye often surrounded by rays of light or a glory and usually enclosed by a triangle. It is sometimes interpreted as representing the eye of God watching over humankind). Người ta cũng nói đến "all-seeing eye" như là hình tượng theo dấu tích của Thần thoại Ai cập và là "The Eye of Horus", biểu tượng sự bảo vệ sức mạnh, sức khỏe hoàng gia, được nhân cách hóa của nữ thần Wadjet (Imagery of an all-seeing eye can be traced back to Egyptian mythology and the Eye of Horus).

"All-seeing eye" cũng được đề cập trong Phật giáo, khi mà Phật cũng thường nhắc tới như là 'Con mắt của thế gian' trong Kinh Phật (It also appears in Buddhism, where Buddha is also regularly referred to as the "Eye of the World" throughout Buddhist scriptures).

Các bằng chứng có thể chưa được kiểm chứng thật kỹ, nhưng ít bằng chứng cho thấy con mắt được nói tới ở trên là của "Đấng toàn năng Lý trí" (God of reason) như ông Nguyễn viết. Còn dòng chữ ghi ở dưới kim tự tháp "NOVUS ORDO SECLORUM" có nghĩa là Trật tự của thời đại hay kỷ nguyên mới (meaning "New Order of the Ages," which is a reference to the new American era).
Tôi cũng chưa tìm được bằng cớ của ông Nguyễn khi ông cho thêm chữ "thế tục" vào chữ "trật tự" trong trường hợp này hoặc chữ Thượng Đế của Tự Nhiên (Nature’s God) ông thêm ngay sau đó.

Ai tìm được, hãy nói tôi biết!

Về quan điểm này, ông Don, người có bài viết trong sachhiem.net, người tôi cho rằng cũng có nhiều quan điểm tương đồng và ủng hộ ông Charlie Nguyễn, trong bài "Quanh khẩu hiệu In God We Trust !" đã bày tỏ trong lý luận của mình:

"Mãi đến năm 1956 'In God We Trust' mới được công nhận là khẩu hiệu quốc gia của Hoa Kỳ. 'God' ở đây chính là thần Do Thái Cơ Đốc (Judeo-Christian God), chứ không phải là Thiên Nhiên như học giả Charlie Nguyễn đã lầm lẫn".


Ông Don còn cho rằng "đã có rất nhiều người bày tỏ quan ngại về những việc là tán thành tôn giáo quốc gia (state religion) này, lo lắng rằng nước Mỹ sẽ chuyển thành chế độ thần trị (theocracy) chứ không còn là dân chủ (democracy) nữa".

Ta cũng đã nói đến nhiều về đề tài này, nhiều người, kể cả ông Nguyễn đều công nhận đa số người Mỹ đều theo Tin lành từ ngày lập quốc.
Và họ biết rõ Chúa hay Thượng đế (God) của mình là ai,  như các con nhận biết Cha mình.
Tôi cứ nghĩ rằng có 10 người ở trong một nhà, chín người là con một ông cha và một người là con người khác. Vì lý do nào đó, người cha đã bỏ đi một thời gian dài. Khách đến chơi hỏi về một người đàn ông tự nhận là cha của họ, sau khi nhìn ảnh, chín người con xác định đó chính là cha đẻ của họ .
Nếu người đó là cha của anh chàng thiểu số thì anh ta đã có ý kiên; anh ta sẽ khẳng định đó là cha của anh ta hay cha của riêng anh ta .
Có lẽ không phải bàn nhiều, người Mỹ rất hiểu Chúa (God) của họ là ai, không thể nhầm lẫn.

Chữ "God" trong "In God We trust" là Chúa Giê su của Tin Lành Mỹ. Tin Lành có thể có nhiều giáo phái khác nhau hay những "người con Tin Lành" có thể hiểu Cha mình, Chúa của mình theo nhiều cách, song khó có thể phủ nhận Cha họ đích danh là ai.
Vì họ biết điều đó, và có lẽ họ không cần sự hỗ trợ của ông Charlie Nguyễn.

Kinh Thánh viết trong sách Các quan xét 17:6: "Trong lúc đó, không có vua nơi Y-sơ-ra-ên, mọi người cứ làm theo ý mình tưởng là phải", để nói về một thời kỳ mà dân Chúa bị "lạc" mất Cha mình, và mỗi người tìm cách tôn thờ Chúa theo cách mình tự cho là phải.


Đó là một việc, còn việc nữa ta cũng đang bàn tới khi đang nói đến các biểu tượng in trên đồng một dollar. Ta cũng đã nói đến vấn đề tự tôn, tự tôn cái gọi là Văn hóa hay tự tôn dân tộc. Tự tôn có thể theo cách hiểu của ông Giáo sư Nguyễn Văn Kiệm là "ý thức tự tôn dân tộc cao" hay của ông Charlie Nguyễn theo cách tự tôn cá nhân khi ông viết "vấn đề quan trọng không phải ở số đông. Vấn đề chủ yếu là những người lãnh đạo ở thượng tầng nước Mỹ quan niệm thế nào về Thượng Đế"; và ông nhắc tới một Chính phủ siêu việt (Super-government) chi phối hướng đi của số đông còn lại.
Tôi chợt nghĩ tới ông Hồ Chí Minh và cuộc cách mạng của ông và những người Việt nam đi theo ông trong thế kỷ qua. Cuộc cách mạng của ông và những người theo ông đã thành công trong việc đánh Pháp, đuổi Nhật, đánh Mỹ....Thử hỏi nếu ông Hồ Chí Minh làm một mình hay chỉ một nhóm người ủng hộ ông thì cuộc cách mạng Việt nam có thành công hay không. Vai trò ông Hồ Chí Minh là quan trọng, nhưng vai trò của nhân dân là quyết định. Chẳng thế mà ông đã nói: "Đoàn kết, đoàn kết,đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công".
Chắc tôi không cần phải dẫn câu này tôi lấy ở đâu ra. Bản thân ông Hồ Chí Minh nghĩ vậy nên mọi sự tôn vinh ông Hồ Chí Minh vượt quá vai trò lịch sử thực sự của ông theo tôi đều là nhầm lẫn.

Xin nói thêm là theo wiki, sau Hiệp định Geneve, Tổng thống "Ngô Đình Diệm không chấp nhận tổng tuyển cử, vì ông biết rằng mình sẽ thua. Không ai có thể thắng cử trước Hồ Chí Minh, vì ông là một George Washington của Việt Nam. Báo cáo của CIA gửi Tổng thống Mỹ Eisenhower cũng cho rằng khoảng 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu mở cuộc tổng tuyển cử" (Wikipedia)
Sự thành công của cách mạng Việt nam là ý chí tập thể, không phải của cá nhân ông Hồ Chí Minh hay một Chính phủ siêu việt  hay "Super-government" nào cả.

Việc đúng hay sai của cuộc cách mạng này tôi không bàn đến ở đây, tôi chỉ đang bàn đến khía cạnh đoàn kết hay tầm quan trọng của ý chí tập thể mà thôi.


Tôi lại nhớ đến con đại bàng đuôi trắng, nhẵn đầu với hai chân quặp 13 cành olive, chân kia 13 mũi tên tượng trưng cho tự do, hòa bình và sức mạnh Mỹ (được in trên đồng một dollar và đó cũng là Quốc ấn 'Great Seal of the United States' hay quốc hiệu) đang ngậm dải băng với dòng chữ Latinh "E PLURIBUS UNUM" có nghĩa là HỢP NHẤT TRONG MỘT (" a Latin phrase meaning 'Out of many [states], one [nation]'" ).

Với quan điểm rõ ràng như vậy, tôi không tin một nước Mỹ lại quá tôn trọng hay đánh giá quá cao vai trò cá nhân trong lịch sử.
Họ có thể tôn kính các vị Tổng thống lập quốc, nhưng họ luôn hiểu vai trò chính cho sự phát triển đất nước là Chúa của họ và sự đoàn kết, hợp nhất trong Chúa, dù điều đó không được đưa vào Hiến Pháp và có lẽ họ cũng không muốn đưa vào vì vương quốc thực sự của họ không phải là Hợp Chủng Quốc mà sẽ là Thiên đàng, Nước Chúa hay "paradise".

Một lập luận của ông Nguyễn đưa ra là quan điểm của tác giả Bản tuyên ngôn Độc lập, Tổng thống thứ 3 Hiệp chủng quốc Hoa kỳ - Thomas Jefferson - về Ki tô giáo.

Khi nói về Ki tô giáo, ta đang nói về câu chuyện hơn 2 ngàn năm nay. Bản thân tín ngưỡng của Tổng thống thứ 3 Hợp Chủng quốc Hoa kỳ này cũng tương đối phức tạp, hơn nữa, nếu ông Jefferson là nhà Chính trị lỗi lạc thì chưa hẳn ông đã phải là cậu thủ bóng đá hay hoặc ông có một quan điểm về thần học đúng đắn.
Tuy nhiên, trong bức thư gửi Benjamin Rush, Jefferson đã tự coi mình là người tin Chúa khi viết: " Về sự mục ruỗng của Ki tô Giáo, tôi thực sự chống lại; nhưng không chống lại lời dạy chân thực của Giê su. Tôi là người tin Chúa, trong ý nghĩa duy nhất Ngài muốn mọi người như vậy; thực sự gắn bó với học thuyết của Ngài, thích thú hơn mọi học thuyết khác; gán cho Ngài mọi sự ưu tú của con người... ("To the corruptions of Christianity I am, indeed, opposed; but not to the genuine precepts of Jesus himself. I am a Christian, in the only sense in which he wished any one to be; sincerely attached to his doctrines, in preference to all others; ascribing to himself every human excellence...") ( Theo wikipedia).

Ông Charlie Nguyễn đã đưa ra suy nghĩ được cho là của Jefferson khi ông viết về sách Khải Huyền trong Kinh thánh chỉ là "...lời điên dại của kẻ mất trí (... considered it merely the ravings of a maniac)" (Theo In God we trust, tác giả Charly Nguyễn).

Jefferson có thể tin học thuyết của Chúa Giê su và bản thân con người Giê su, nhưng không tin những gì môn đệ của Ngài viết (sách Khải Huyền là một trong những sách do môn đệ của Ngài viết ra và được cho là có sự hướng dẫn của Thánh linh).
Việc này cũng thể hiện đời sống tín ngưỡng tôi cho là phức tạp của vị Tổng thống này, và tất nhiên, theo tôi, nó có lý do.

Lịch sử Ki tô Giáo có nhiều giai đoạn phát triển. Đầu tiên là sự bách hại bắt đầu từ việc giết Chúa Giê su, "dẫn đến sự tử đạo của Stephen (Ê-tiên) và James (Giacôbê hoặc Gia-cơ), con trai của Zebedee. Những đợt bách hại ở qui mô lớn hơn, dù không thường xuyên nhưng dữ dội, xảy ra dưới thời trị vì của các hoàng đế La Mã như Nero, Valerian, Diocletian và Galerius. Cuộc đời của những người tử đạo, thà chết chứ không chối bỏ đức tin, trở nên biểu trưng cho đức hạnh cao quí nhất".

Rồi "Hoàng đế La Mã Galerius, trước khi chết, ban chiếu chỉ Galerius ngưng mọi hoạt động bách hại. Hoàng đế Constantine I qui đạo năm 312, và với chiếu chỉ Milano, biến Kitô giáo thành quốc giáo. Dù vậy, các cuộc bách hại được tái lập dưới triều Julian Kẻ bội giáo (361-363), người muốn phục hồi cựu giáo trên lãnh thổ đế quốc; Kitô giáo sau này được công nhận quốc giáo lần nữa dưới triều hoàng đế Theodotius vào năm 382. Những biến cố tương tự cũng xảy ra tại các xứ láng giềng Gruzia và Armenia. Nhưng tại Ba Tư luôn tranh chấp với La Mã, Kitô hữu phải chịu nhiều áp bức từ Sassanids, người muốn phục hồi đạo Zoroaster.

Tại Đế quốc Ba Tư, vào năm 410 giám mục Seleucia được công bố là công giáo, thay thế Thượng phụ thành Antioch như là thẩm quyền cao nhất của Giáo hội Assyria đông phương. Trong thời kỳ ly giáo Nestorian, giáo hội này cắt đứt quan hệ với phương Tây. Trong suốt một thiên niên kỷ đã trở thành giáo hội có nhiều ảnh hưởng tại Châu Á với các giáo phận được thành lập tại những nơi xa xăm như Ấn Độ, đảo Java và Trung Hoa"
(Theo Wikipedia).

Có lẽ chúng ta đều cảm thấy chán nản khi muốn tiếp tục tìm hiểu lịch sử dày đặc từ suy vong đến hưng thịnh của Ki tô Giáo. Nó đã trải qua 2 thiên niên kỷ với nhiều điều cần phân tích. Song có điều đáng nói là đến khoảng thế kỷ thứ XVI, sự thối nát của Giáo hội đã thể hiện sự suy vong của Ki tô mà sử sách đã nói nhiều, trong đó, Martin Luther, nhà cải cách tôn giáo, khi "hành hương đến La Mã vào năm 1510 nhưng chỉ để cảm thấy ghê tởm nơi chốn... đầy dẫy sự tham lam và thối nát". (Martin Luther, theo Wikipedia).
Và kết quả là chính Martin Luther đã trở thành người cải cách Ki tô Giáo lớn nhất, dưới sự hướng dẫn của Thánh linh, đã đưa con người đến gần Kinh Thánh và Đức Chúa trời hơn.

Trong bối cảnh như vậy, cũng chẳng ngạc nhiên lắm khi Thomas Jefferson sau này đã mất lòng tin mặc dù có thời gian ông "từng giữ vai trò quản trị nhà thờ tân giáo" (played a role in governing his local Episcopal Church) (Thomas Jefferson).

Kinh thánh cũng đã nhắc đến một giai đoạn suy thoái của đạo Chúa như tôi đã dẫn ở trên: " Trong lúc đó, không có vua nơi Y-sơ-ra-ên, mọi người cứ làm theo ý mình tưởng là phải".(Các Quan xét 17:6).

Bản tiếng Anh: "In those days Israel had no king; everyone did as they saw fit" - Judges 17:6 NIV

Và tôi nghĩ, Thomas Jefferson cũng không phải trường hợp ngoại lệ.


Một điều theo tôi cũng cần chú ý nữa là Vương quốc của Chúa không phải là Vương Quốc của loài người. Các Chính phủ của loài người luôn là của loài người, do ý muốn của loài người, dưới sự chấp nhận của Thiên Chúa do tâm tính loài người muốn vậy. Đức Chúa Trời muốn loài người tôn vinh Chúa Trời, nhưng họ luôn muốn thần thánh hóa loài người, tôn sùng loài người, thần tượng vua, tự thần thánh hóa người cai trị mình....
Kinh thánh viết về việc này khi nói rõ dân Ixrael đã xin Samuel rằng: "Hãy ban cho chúng tôi một vua đặng đoán xét chúng tôi" ( I Samuel 8:6)

Do vậy, Chính phủ Mỹ hay các Chính phủ loài người khác là "Chính phủ thế tục", của loài người, do loài người tội lỗi lập nên, không có niềm tin hoàn toàn vào lời Chúa, ngay cả khi họ là Tín đồ Cơ đốc. Họ tin vào vua hay Chính phủ  loài người. Điều này cũng không xa lạ với Thánh kinh. Tuy nhiên, con dân Chúa ở đâu nhiều, thể hiện lòng tin thực sự vào Chúa càng lớn và đúng cách, thì đất nước đó sẽ được ban phước.
Ngày của Chúa chưa tới, Nước của Chúa chưa về thì sẽ có một Miền đất hứa cho loài người ở trên đất. Ngày xưa, miền đất đó là Canaan cho dân Ixrael; ngày nay có thể là Hoa kỳ nếu đa số dân đó còn đặt lòng tin đúng cách ở Thiên Chúa và ơn phước của Ngài.

Và chừng nào, chúng ta còn nghe những câu đại loại như "In God we trust" (Chúng tôi tin ở Chúa) hay "God save the United States and this honorable Court" (Chúa cứu nước Mỹ và Tòa án này), và thực hành thích hợp, thì chừng đó, tôi còn tin rằng nước Mỹ sẽ vẫn còn đủ sức mạnh để đứng đầu thế giới.

Còn vấn đề nữa là ông Nguyễn có đề cập đến trong bài viết của mình về đảng KKK như sau:

"Bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, nhiều làn sóng di dân từ Đông và Nam Âu Châu sang Mỹ, đa số là Công giáo và Do Thái. Dân Mỹ Tin Lành phản đối bằng cách lập ra đảng khủng bố Ku-Klux-Klan nhắm vào Do Thái, Công giáo và người da đen" (In God we trust).

Quả thật là khó khăn cho tôi khi người viết đưa ra quan điểm nhưng không đưa ra nguồn dẫn; và như thế, nhiều người sẽ cho là hồ đồ, vu khống.
Tôi đã tìm hiểu và đọc, song những gì tôi thấy lại không đúng như thế.
KKK hay đảng 3K (nguyên gốc tiếng Anh: Ku Klux Klan - viết tắt KKK), là tên của nhiều hội kín lớn ngày xưa và ngày nay ở Hoa Kỳ với chủ trương đề cao thuyết Người da trắng thượng đẳng (tiếng Anh: white supremacy).
Người ta có thể xem đường link: Ku Klux Klan (tiếng Việt) hoặc Ku Klux Klan (tiếng Anh) để có thêm thông tin về KKK xem có đúng những gì ông Nguyễn viết hay không.

Giả thiết tệ nhất cho KKK là Tin Lành (theo tôi là trá hình) như ông Nguyễn viết thì không thể căn cứ vào một việc để đánh giá một chuỗi các sự việc; giống như trong nhà có một thằng ăn cắp lại "vơ đũa cả nắm", cho rằng cả nhà đó đều là đồ ăn cắp.

Ông Charlie Nguyễn đã mất, không thể ngồi dậy mà tự bào chữa những lý luận của mình nên tôi cứ giả thiết những nguồn dẫn của ông là...có thật (?), mặc dù tôi không tìm thấy bằng chứng; tuy nhiên, dù thông tin KKK xuất phát từ Tin lành là có thật đi nữa thì sức thuyết phục của nó cũng vô cùng nhỏ, và không ai đi lấy một thí dụ không thuyết phục để đánh giá cả một quá trình lịch sử của cơ đốc giáo nói chung hay Tin Lành nói riêng.


Như tôi đã trình bày ở trên, sự tôn thờ cá nhân, thần tượng hóa con người, coi con người là tâm điểm của vũ trụ đều mang đến tính tự cao, coi mình là nhất, là tâm điểm, là "thượng đẳng".....
Tôi nghĩ mọi sự ngu dốt đều bắt nguồn từ đó. Chiến tranh, tranh giành cũng từ đó mà ra.

Trong bài viết khoảng hơn 7000 chữ: "In God we trust" của ông Charlie Nguyễn, có khoảng gần 700 chữ ông ca ngợi Hội Tam Điểm, coi đó là siêu chính phủ (Super-government), hay tạm gọi là tổ chức lãnh đạo thế giới, chi phối cơ bản hoạt động của thế giới thế tục khi ông viết:

"Mặc dầu lúc đầu lập quốc, tuyệt đại đa số dân chúng Mỹ theo đạo Tin Lành nhưng đạo này đã không thể trở thành quốc giáo. Cũng như trong hơn hai thế kỷ qua, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa luân phiên nhau lãnh đạo nước Mỹ nhưng không một đảng nào có thể đi tới độc tài. Đó là nhờ Hội Tam Điểm có những bậc minh triết (dấu mặt) điều khiển nước Mỹ như một siêu chính phủ (Super-government)".

Điểm lập luận thứ 2 về Hội tam điểm của ông được dẫn ra khi ông cho rằng "giáo hoàng Gioan XXIII, Giáo hoàng Paul VI và giáo hoàng John Paul II đều là những người của Tam Điểm cài vào để phá giáo hội Công giáo" thì cũng không có gì là lạ nếu ta xét đến sự suy thoái của Ki tô Giáo về đức tin trong thời điểm đó.
Nếu Công Giáo La Mã suy thoái thì không chỉ có Hội Tam điểm, mà các nhà Kháng cách, với ý nguyện của Chúa, sẽ là những người trực tiếp và toàn diện, cùng với các tín hữu yêu Chúa, sẽ thay đổi bộ mặt của đức tin chứ không cần đến Hội Tam điểm.

Tôi cũng cảm thấy sự vu vơ khi ông Nguyễn viết về bản bản Cây sáo thần (The Magic Flute) của Mozart "mô tả nữ thần của màn đêm – tượng trưng cho các thế lực đen tối của tội ác – sẽ bị đánh bại và biến mất trên thế gian. Sau đó, hoàng tử của Công lý sẽ xuất hiện để báo hiệu sự hình thành của một Trật Tự Thế Tục Mới (Novus ordo seclorum)".

Chữ "Trật tự Thế tục" (Novus ordo seclorum) một lần nữa theo tôi lại được đưa vào một cách tùy tiện. Chẳng phải "hoàng tử của Công lý sẽ xuất hiện" là hình ảnh của ngày Chúa Giê su trở lại, hình thành một nước Chúa mà Mozart không thể không bị ảnh hưởng bởi Ki tô Giáo trong thời đại ông đang sống mặc dù ông là thành viên Hội Tam Điểm?
Quay lại chủ đề ông Mozart có nghĩ như ông Charlie Nguyễn thật chăng nữa thì cũng chẳng có căn cứ gì nhiều khi một thiên tài âm nhạc lại phải luôn đúng trong những vấn đề Chính trị, xã hội, bóng đá hay thần học khác...

So sánh có thể khập khiễng nhưng nói như vậy chẳng khác gì người làm chính trị giỏi như ông Hồ Chí Minh nhất thiết phải là cậu thủ bóng chày tài ba hay ông giáo sư vật lý đại tài Albert Einstein nhất thiết phải là tay thục Bida cừ khôi.


Việc đó quả thật khó tin.
Tóm lại, trong suốt bài viết, ông Charlie Nguyễn luôn tìm cách đề cao vai trò cá nhân con người trong lịch sử (có lẽ trong đó có cả ông), điều mà Kinh Thánh luôn phản bác.
Kinh Thánh luôn coi trọng vai trò của Thượng Đế, là Chúa Toàn năng chứ không phải cá nhân nào trong lịch sử.
Nếu Kinh Thánh đề cao vai trò cá nhân thì có lẽ duy nhất là vai trò của Chúa Giê su, và Ngài chính là Chúa Trời mặc lấy hình hài và thân phận con người.
Kinh Thánh không tôn cao ai hết dù ông đó là Tổng thống đầu tiên George Washinton, Thomas Jefferson, Apraham Lincoln, Einbert Einstein, Hội Tam điểm hay có thể là ông Charlie Nguyễn...

Kinh Thánh tôn trọng quyền năng vô hạn của Chúa và sức mạnh tập thể với cùng một ý chí như ông Franklin đã nói tại buổi ký kết dự thảo Tuyên ngôn độc lập Mỹ như sau:  
"Vâng, chúng ta bắt buộc phải như vậy, thay vì chúng ta bị treo cổ tất cả hoặc chắc chắn chúng ta sẽ bị treo cổ riêng rẽ." (Yes, we must, indeed, all hang together, or most assuredly we shall all hang separately).

Đừng tôn cao vài trò cá nhân, và cũng đừng tự cho mình là thánh hoặc ngộ nhận mình là thánh.
Chúng ta sẽ bị dở hơi hoặc chúng ta sẽ giống Bắc Triều tiên nếu tiếp tục làm vậy.
Ý chí cá nhân không có ý chí tập thể thì ý chí đó sẽ chết.
Tập thể ngu dốt thì sẽ bầu đại diện cho mình là những kẻ ngu dốt.
Vậy, hãy tự thay đổi mình để bản thân chúng ta không ngu dốt; mỗi người làm vậy thì chúng ta sẽ có một tập thể khôn ngoan và bầu lên những người đại diện khôn ngoan hơn.


HQ

Comments

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?

Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?