Chuyện cái ao nhà tôi

Báo mạng Dân trí hôm nay đăng bài: "Trung Quốc đừng dại thử lòng yêu nước của dân tộc Việt" (link trên báo Dân trí đã bị xóa), trong đó viết "lòng yêu nước của dân tộc Việt, về góc độ xã hội, lịch sử được gọi là Truyền thống, về góc độ khoa học được gọi là gen di truyền. Cho nên, thế giới có đổi thay, vương triều có đổi thay nhưng truyền thống đó hay gen di truyền đó không bao giờ thay đổi".

Bài viết có đoạn "máu xương của thế hệ ông, cha, anh đổ xuống để có hôm nay, cho con cháu một Việt Nam liền một dải, không như bán đảo Triều Tiên hiện giờ là quý báu biết chừng nào và đương nhiên chỉ ai là con cháu Lạc Hồng mới cảm nhận được".

Cũng xin nói thêm là Chiến tranh Việt Nam đã gây ra cái chết của từ 2 đến 5 triệu người Việt  (Tổn thất nhân mạng trong chiến tranh Việt Nam Wiki)

Tôi không thể phủ nhận gen yêu nước mang tính di truyền của dân tộc Việt, song mỗi vấn đề, chúng ta nên nhìn theo nhiều mặt.

Cách đây không lâu, vào sinh nhật thứ 48 của tôi, 9/2/2013 (rất tiếc ông Hoàng Hiệp - tác giả bài hát "Nhớ về Hà Nội" lại ra đi và cùng lúc đó) có một Clip của một bạn trẻ nào đó được tung lên mạng với cái tên "Lịch sử Việt nam qua các thời kì".

Tưởng nhớ những người đã ngã xuống biên giới phía Bắc 1979 -1984

Phải thú thực, đoạn clip rất ý nghĩa và đã được rất nhiều người ưa thích.
Đoạn clip giúp ta có cái nhìn tổng quan về hạnh phúc hòa bình mà chúng ta đang có không phải chỉ bằng máu của 2 hay 5 triệu người Việt đã chết trong cuộc chiến chống Mỹ mà còn nhiều nhiều hơn thế rất nhiều.

Chúng ta đang nói đến những người chết, trong đó có trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, những bé trai, bé gái còn chưa hiểu biết gì về cuộc đời, những chàng trai, cô gái có thể chưa một lần được yêu, những người già chưa bao giờ cảm  nhận được  hạnh phúc thực sự...

Những cái chết mà ngày nay, chúng ta chỉ thấy trên con số, nó vô hồn và có vẻ không hề đáng sợ, nhưng nó sẽ kinh khủng hơn nhiều nếu như bạn đối diện với nó, những người thân, con cháu bạn là nạn nhân của nó...

Trong bài viết  "Trung Quốc đừng dại thử lòng yêu nước của dân tộc Việt" kể trên còn có đoạn "Hạm đội 7 của Hoa Kỳ ngày xưa (là niềm mơ ước của hạm đội Nam Hải-Trung Quốc ngày nay), khi Hải quân Việt Nam là con số “không” mà còn không dọa được Việt Nam thì vài chục con tàu giả dạng Hải giám, đằng sau có vài con tàu chiến tập trận, đã tỏ ra hung hăng, xua đuổi phi pháp tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam là có thể dễ dàng tác quái trên Biển Đông của Việt Nam ư? Họ đã lầm vì dân tộc Việt luôn yêu chuộng hòa bình, muốn là bạn với láng giềng một cách thân thiện, hữu nghị nhưng lòng yêu nước, bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của Việt Nam thì ngàn đời không thay đổi. Họ chỉ tổ tốn dầu và hao máy mà thôi. Hành động ngang ngược, ác độc, vô nhân đạo của Trung Quốc đã kích hoạt lòng yêu nước của dân tộc Việt".

Đúng vậy, có lẽ dân tộc Việt từ ngàn đời nay có sợ chăng nữa có khi chỉ... sợ lẫn nhau mà thôi (!), còn đối với ngoại xâm hay sự can thiệp nước  ngoài, hình như họ không sợ.
Tôi cũng chẳng thấy có gì phải sợ cả nhưng xét cho cùng, ai được gì nếu chiến tranh xẩy ra?

Đừng dại dột nghe theo khi một nhóm nào đó, có thể ở Hải ngoại, hô hào cho cái gọi là lòng yêu nước, họ mang trên mình cái hộ chiếu của quốc gia họ đang sống, nếu chiến tranh xảy ra với Trung Quốc, họ có thể đang ở Việt Nam, song rất  nhiều quốc gia sẽ có xe đến đón họ, công dân..."của họ" về để tránh xa vùng chiến sự, người ở lại sẽ là tôi, bạn, bố mẹ, anh chị em và chính các con bạn.

Lúc đó, vợ, các con bạn sẽ chạy đi đâu? Lào, Căm pu chia, Malaysia? Các bạn đã tính chưa?

Tôi còn nhớ, cách đây có lẽ là không lâu lắm, khi thống nhất đất nước năm 1975, chỉ 4 năm sau, phố tôi lại đào hầm, tổng động viên. Chiến tranh biên giới lại nổ ra, và theo đường chim bay, từ Lạng Sơn đến Hà Nội có lẽ không xa, và các bạn thử tưởng tượng, nếu người Trung Quốc có mặt ở Hà Nội thì sẽ ra sao?

Hồi đó, theo các phương tiện thông tin đại chúng, một số chợ ở phía Bắc Việt nam khi Trung Quốc tràn vào, họ giết người bằng dao và mã tấu... (nguồn vietlandnews.net)

Những người phụ nữ Việt Nam với các em nhỏ tại Mỹ Lai ngày 16 tháng 3 năm 1968. Họ bị lính Mỹ giết gần như ngay sau khi bức ảnh được chụp
Ảnh của Ronald L. Haeberle


Nếu các bạn nghĩ là tôi sợ thì các bạn nhầm, song người khôn là trước một vấn đề, ta cố gắng lường hết hậu quả của nó, không phải lúc nào cũng nghĩ là ta sẽ thắng. Người Mỹ hay nhắc đến câu: " Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh" (If you want peace, prepare for war); ngoài ra, theo tôi, người giỏi võ là người phải học biết cách chạy trong nguy hiểm, lường trước được nguy hiểm và tránh né nguy hiểm chứ không phải lúc nào cũng đối diện với nó.

Chiến tranh biên giới năm 1979, lúc đó tôi 14 tuổi và đã vô cùng thất vọng. Tôi tự hỏi là tại sao chúng ta hay bị chiến tranh vậy? Cuộc chiến 20 năm với Mỹ và Việt Nam Cộng hòa vừa chấm dứt, máu của mấy triệu đồng bào vẫn chưa đủ cơn khát của con quỉ chiến tranh hay sao?

Tôi cũng tự hỏi tại sao nhiều nước đã tránh được rất nhiều cuộc chiến mà không phải là ta?

Tôi nghĩ đến Thái Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển , Na Uy, Đan Mạch...
Phải chăng đó là văn hóa, chính sách ngoại giao hay một lý do nào đó?

Nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy Hoàng sa và Trường sa là của Việt Nam nhưng tại sao Trung Quốc và người dân Trung Quốc tin những đảo này của họ.
Tất nhiên là do tuyên truyền, song không thể không có bằng chứng lịch sử.

Ta nhớ lại công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi ông Chu Ân Lai năm 1958, trong đó ghi rõ "Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể."(Nguồn Wiki).

Ngày đó, Việt Nam đang có nội chiến, "thù trong, giặc ngoài", Bắc Việt đang tranh thủ sự ủng hộ của đồng minh Nga Xô và Trung Quốc, chống lại chính quyền miền Nam dưới sự hậu thuẫn của Mỹ. Đất nước còn chưa thống nhất dưới chính phủ của Bắc Việt, việc ông Phạm Văn Đồng tuyên bố công nhận hải phận 12 hải lý của Trung Quốc là trái luật pháp quốc tế. Ông không thể đem cho "miếng bánh" chưa phải là của ông. Đất nước thống nhất thì về lý nào đó, tuyên bố trước đó của ông phải thành hiện thực, "miếng bánh" trước đó "ông hứa cho tôi, nay là của ông thì ông phải giữ lời hứa"...

"Miếng bánh" đó chính là mấy hòn đảo Hoàng Sa, Trường Sa ta hay nói đến.

Một thằng bị chiếm nhà, nhờ thằng hàng xóm giúp lấy lại nhà, lấy được nhà, tao hứa sẽ cho mày cái ao (5) nhà tao. Nhà chưa phải của tao toàn bộ, nhưng tao cứ cho mày cái ao trước, mày cứ giúp tao đi, khi nào được nhà (7), tao sẽ nuốt lời và... không cho mày cái ao nữa...

Nghe thế có phải không?

đó chính là cái lý của người Trung Quốc khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố việc bắn tàu cá Việt Nam là "chính đáng và cần thiết" (link trên báo Dân trí đã bị xóa).

Quan điểm của tôi là khi có cãi vã, tranh chấp, hãy quan tâm đến cái lý của người, đừng chỉ quan tâm đến cái lý của ta, "biết người, biết ta, trăm trận, trăm thắng".


Theo cách nghĩ của người châu Á, bố tôi (1) và ông chú (2) tôi tranh chấp cái nhà do ông bà để lại. Bố tôi nhờ sự giúp đỡ của ông A (3), chú tôi nhờ sự giúp đỡ của ông B (4). Một ngày, bố tôi dành được nhà và đã lỡ lời hứa cho ông đã giúp mình là ông A cái ao (5) như tôi đã nói trên.

Một ngày, chú tôi về hòa thuận (8) với bố tôi và cùng nhau sang ông A đòi lại cái ao.
Các bạn nghĩ xem việc đó có dễ không nếu theo cách tư duy của người châu Á?

Tôi nghĩ việc này không có cách nào khác là kéo nhau lên Ủy ban Xã (6) để kiện, nếu không, chỉ có cách đánh nhau để lấy lại ao, mà nhà ông A thì rất đông người và... rất cùn.

Trong bối cảnh Hoàng sa và Trường sa thì ngoài đánh nhau, cách duy nhất là đưa ra tòa án quốc tế hay trọng tài quốc tế (Việc đưa Hoàng Sa ra trọng tài quốc tế, BBC - link trên BBC đã bị xóa).

Dở cái là Trung Quốc sẽ không bao giờ đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế và chúng ta không thể đơn phương chống lại Trung Quốc trừ khi chúng ta lại tiếp tục chịu chiến tranh, hi sinh và đổ máu như những năm về trước.
Và người Trung Quốc (luôn tự cho mình là nước lớn) cũng sẽ  không vui sướng gì khi chiến tranh xảy ra và họ đã và sẽ bị đổ máu rất nhiều vì con rồng nhỏ Việt Nam.

Ai sẽ được lợi trong chuyện này? Phải chăng vẫn là con quỉ khát máu mang tên chiến tranh?

Quê hương là nhà, là nơi bố mẹ, con cái tôi sinh ra. Tôi muốn con tôi ở đây, xây dựng đất nước này, song nếu vì sai lầm của cha ông, chúng mất biển thì giải pháp an toàn vẫn là "dĩ hòa vi quí".

Tôi cũng tin rằng khi tôi nói với các con tôi rằng: "Các con hãy chạy đi với mẹ các con, đi thật xa.  Bố phải đánh lại nhà ông A đông người, để đòi lại cái ao cá mà bố đã trót hứa cho họ ngày xưa"  thì tôi e rằng chúng sẽ trả lời:

"Điều bố đã hứa, bố không được nuốt lời. Đó là sai lầm của bố. Mất ao cũng được, bố hãy chịu đựng, đừng đánh nhau nữa, đánh nhau nữa các con và mẹ sẽ rất khổ và có thể sẽ chết. Sau này, các con sẽ xây lại nhà mà không có ao hay 'rừng vàng, bể bạc' như các con đã được học, các con sẽ chuẩn bị tốt hơn cho việc bảo vệ nhà của mình, chơi với những người bạn khôn ngoan hơn, mạnh mẽ hơn. Nhà bác A đông người, không được học hành nhiều, cũng nghèo khổ không hơn gì nhà mình. Bần cùng, nhà bác ấy phải tìm cách tồn tại."Bán chị em xa. mua láng giềng gần", nhà bác ấy sẽ mãi mãi ở cạnh nhà ta, có tránh cũng chẳng được, âu cũng là ý Trời. Biết làm sao hả bố? Chừng nào nhà bác ấy không biết điều, tiếp tục đòi hỏi, cướp đất nhà ta mà không vì lý do gì, lúc đó, con sẽ để bố đi và chính nghĩa sẽ thuộc về ta".

Mỗi lần ngã là một lần bớt dại, có lẽ đó là bài học của lịch sử cho một dân tộc, cho một thể chế.

Và tôi tin con tôi đúng!

Con tôi mới 9 tuổi, nó được sang Mỹ cùng bố mẹ, nước Mỹ nhiều cái rất văn minh và nó thích Mỹ.
Bây giờ, nó ở Hà nội, nó nghe bố nó kể về chiến tranh, máy bay Mỹ đã từng ném bom Hà Nội.
Nó luôn có một nguyện vọng hay một mong muốn đã nói thành lời:

"Con không muốn máy bay Mỹ ném bom Hà Nội".

Vâng, nó không thích chiến tranh, và việc đó cũng nên nói sớm trước khi quá muộn.
Việc cầm súng bắn một người Trung Quốc hay người Việt Nam, về bản chất là giết một người. Họ cũng phải chiến đầu vì cái họ được nhồi vào đầu mang tên... lý tưởng.

Chừng nào ván bài đi quá xa, lúc đó sẽ phải tính ./.



HQ


Chú thích:
1.Bố tôi = Bắc Việt
2.Chú tôi = Việt Nam Cộng Hòa
3.Ông A = ông anh Hai Bắc Kinh
4.Ông B = Sen đầm quốc tế Hợp chủng quốc Hoa kỳ
5.Cái ao cá  = biển Đông, Hoàng sa, Trường sa
6.Ủy Ban xã = Tòa án Quốc tế
7.Dành được nhà = thống nhất đất nước
8.Chú tôi về hòa thuận = Hòa hợp, hòa giải dân tộc, không thù ghét Bắc-Nam



Xem thêm:

KHI NÀO TA ĐƯỢC NHƯ CHUÔT JERRY ?

 

Comments

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?

Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?