Có một lời 'truyền miệng' dã man như vậy sao?
Có những kẻ đã biến thành súc vật nhưng vẫn mang hình hài một... con người. Cái gì đã tạo ra lũ người như vậy?
Đọc bản tin tai nạn giao thông xong mà cảm thấy rùng mình, phẫn uất. Nhưng việc gây tai nạn xong tiếp tục cán nạn nhân đến chết không phải là chuyện 'có một không hai'. Hành vi nhẫn tâm đó đã được báo chí phản ánh rất nhiều và ngay cả trong những lần 'giao lưu trên bàn nhậu' của những bác tài…
Rất cần ý thức của người tham gia giao thông, nhất là các bác tài, để tai nạn giao thông ngày càng giảm (ảnh minh họa) - Ảnh: Nguyễn Tú
"Vào khoảng 21 giờ ngày 3.5, trên quốc lộ 14, đoạn đối diện bến xe phía bắc Buôn Ma Thuột, thuộc phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa một xe mô tô và một xe ô tô. Anh Lê Ngọc Hoàng (SN 1990, xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột), điều khiển xe mô tô mang BKS 47B1-104.46 chở em gái L.T.M.T (SN 1994) đi từ hướng TP Buôn Ma Thuột - thị xã Buôn Hô thì bị xe ô tô mang BKS 47A-021.45 do tài xế Nguyễn Minh Triều (SN 1987, trú tại thôn 6, xã Hòa Thuận, TP.Buôn Ma Thuột) tông mạnh từ phía sau. Cú tông khiến cả hai người trên xe mô tô văng xuống đường. Điều đáng nói là sau khi gây ra vụ tai nạn, tài xế của chiếc xe ô tô này không tiến hành cấp cứu nạn nhân mà tiếp tục điều khiển xe cán đi cán lại nạn nhân. Hậu quả là em L.T.M.T tử nạn tại chỗ còn anh Hoàng thì trong tình trạng nguy kịch”.
Một bản tin kinh hoàng, một hành động dã man, vô nhân đạo, gây nhức nhối trong dư luận. Và động lực nào, lý do nào mà người tài xế này lại quyết định “thủ ác” đến như vậy?
Thật ra, từ lâu các tài xế từ già đến trẻ đã “truyền miệng” nhau “châm ngôn” thực dụng này: “Thà nó chết hẳn còn hơn bị thương, mất mấy chục triệu một lúc còn hơn phải nuôi nó cả đời”. Như vậy, cái tâm lý nơm nớp lo sợ phải nuôi đến hết đời người bị tai nạn, lo sợ “người bị tại nạn không chết” gánh nặng đến sạt nghiệp khiến nhiều tài xế đã bất chấp lương tri, lương tâm, đạo lý làm người?
Nhưng dù có biện dẫn đến đâu, cái tâm lý “thà đâm chết còn hơn phải nuôi dưỡng” ấy là một điều không thể chấp nhận được. Pháp luật quy định rõ ràng các tội danh và công bằng cho tất cả mọi người, vậy những tài xế “lách luật” như thế nào để có thể “truyền miệng” nhau cái tâm lý vô cùng “ác độc” đó?
Phải chăng giáo trình “Đạo đức người lái xe” mà bắt buộc các tài xế phải học trước khi được cấp bằng, được phát bằng là một môn khó học, mau quên khó nhớ. Hay chính những khó nhọc của đời sống cơm áo thường ngày khiến tư duy thiệt hơn thực dụng chi phối, lấn át tâm lý họ?
Trên mỗi chiếc xe ô tô, dù to hay nhỏ, thường có một vị trí rất trang trọng để thỉnh tượng Quan Âm, nguyện cầu cho những chuyến đi an lành, đông khách, phát đạt, thịnh vượng. Theo triết lý nhà Phật thì dù cho có “mong muốn” điều gì cũng xuất phát từ cái tâm nhân thiện, có đức hiếu sinh. Nuôi dưỡng lời “truyền miệng” thủ ác như vậy thì Trời, Phật nào chứng giám và phù hộ độ trì cho được?
Hơn thế nữa, các tài xề cần phải hiểu rằng, hành vi “cố tình cán đi cán lại” là phạm tội cố ý giết người, không có luật pháp và dư luận nào tha thứ cho tội danh dã man đó cả. Một tai nạn giao thông gây chết hoặc bị thương thường nằm ngoài ý muốn chủ quan của người tài xế, nhưng “cố tình cán nạn nhân đến chết” nằm trong khung hình phạt về tội danh giết người, và bản án đó, lương tâm, dư luận cũng như pháp luật sẽ vô cùng nghiêm khắc, đích đáng.
Cuộc sống khắc nghiệt, còn quá nhiều bất cập khiến đạo đức, tình người được “cân, đo, đong, đếm” một cách mơ hồ, phiến diện. Chỉ mong, các cơ quan pháp luật cần đưa ra hình phạt mạnh và nghiêm khắc nhất với loại hành vi cố ý giết người một cách man rợ này để có thể triệt tiêu được thứ "châm ngôn" độc ác kia.
Minh Phước - Yahoo.com
Comments
Post a Comment