Thay đổi


Năm 1989, làn sóng khai tử chế độ Cộng sản ở Đông Âu lan rộng, người dân Berlin biểu tình khắp nơi đòi phá vỡ bức tường ngăn cách Đông và Tây Berlin. Họ đã đi đến bức tường, thuyết phục, đấu tranh bằng lời nói, không bạo động, và một ngày, những người lính Đông Đức (cũ) làm nhiệm vụ gác ở đó đã không bắn vào người dân khi có ai đó muốn vượt sang Tây Berlin (lúc đó, Tây Berlin thuộc CHLB Đức, theo chế độ tư bản, và trước đó nhiều người đã bị bắn khi tìm cách vượt qua bức tường này sang Tây Berlin).

Chính quyền nào cũng có bộ máy cảnh sát và quân đội để bảo vệ họ bằng một lý thuyết thống trị nào đó, và họ luôn cho quân đội, cảnh sát quyền lợi để chính quyền luôn được bảo vệ, nhiều khi bất luận đúng hay sai.
Khi chính quyền không quản lý được do không hợp thời, không có trình độ, bị kẻ xấu lợi dụng hoặc bản thân Chính quyền thoái hóa biến chất, cảnh sát và quân đội trở thành lực lượng đàn áp vì quyền lợi cá nhân của lực lượng đó (và của cả chính quyền) thì đất nước càng ngày càng mục ruỗng, kẻ cơ hội và xấu xa ngày càng nhiều, càng đông trong bộ máy và trong lực lượng bảo vệ nó để dựa vào đó kiềm tiền, vun vén cho mục tiêu cá nhân mà nhân gian hay ví là "đục nước béo cò".

Tất nhiên là nếu Chính quyền càng ngày càng yếu kém, càng dựa vào các công cụ của mình để duy trì chế độ thì bất mãn trong dân chúng sẽ càng ngày càng tăng, và đến lúc nào đó, chắc chắn sẽ không kiểm soát được giống như những người lính gác bức tường Berlin ngày xưa không bắn vào người biểu tình nữa, chế độ sẽ sụp đổ vì Chính quyền không còn công cụ bảo vệ nữa.

Kinh nghiệm cho thấy là 2 lực lượng bảo vệ Chính quyền là quân đội và cảnh sát là hai lực lượng có nhiều thành phần giai cấp nhất. Họ có thể là nông dân, có thể là công nhân, kẻ xấu, người tài, người tốt.., tạm gọi là có một "kết cấu tạp" như vậy nên đa số trong các cuộc cách mạng hay thay đổi thể chế Chính trị, lực lượng khó giác ngộ nhất vẫn là quân đội và cảnh sát.

Ta còn nhớ chuyện Thiên An Môn, khi quân đội chưa giác ngộ hoặc thời điểm chưa đến, họ sẽ xả súng vào những người biểu tình theo lệnh của cấp trên hoặc bản thân họ chưa nhận thức ra việc mình đang làm.


Ta nhớ tới "Berliner Mauer" hay "Schandmauer" (bức tường Berlin ngăn cách Đông Tây hay 'the wall of shame'  - bức tường của sự nhục nhẫ), khi người dân biểu tình, người lính giác ngộ, họ sẽ không bắn vào người biểu tình nữa và sự thay đổi sẽ đến.


Tường Berlin năm 1989

Có điều là có nhiều sự thay đổi đổ máu và nhiều sự thay đổi ít hoặc không đổ máu, điều đó phụ thuộc vào mấy điều:
 - Chính quyền có sớm giác ngộ, có tham quyền cố vị hay không, để người dân càng ngày càng phẫn uất rồi họ nảy sinh mong muốn trả thù Chính quyền khi có cơ hội?
 -  Nó phụ thuộc vào người dân có sớm giác ngộ, không công kích, thù ghét lực lượng bảo vệ Chính quyền là quân đội và cảnh sát hay không?



 -  Và bản thân lực lượng tôi tạm gọi là "lực lượng công cụ", là lực lượng khó giác ngộ nhất có giác ngộ nổi hay không?

Cảnh sát Đông Đức (cũ) đang lôi cơ thể của một ban trẻ bị bắn vì muốn trốn qua Tây Berlin. Bạn đó nằm 50 phút bị chảy máu trước khi được đưa đến bệnh viện và chết ngay sau khi đến nơi. Chính quyền Đông Đức (cũ) gọi bức tường là "Biện pháp bảo vệ chống phát xít (‘Anti-Fascist Protective Measure’) nhưng đối với nhiều người dân Berlin, bức tường được biết đến như là "Bức tường của sự nhục nhã" (The wall of  shame). Nguồn goodbye2berlin

Trong cuộc diễu hành vì cây xanh vừa qua tại Hà nội, tôi thấy có hình ảnh đưa lên mạng có hình các bạn diễu hành đứng cạnh các hàng cây xanh và có mấy đồng chí cảnh sát giao thông áo vàng lẫn vào đó kèm theo lời bình luận : "Màu xanh điểm thêm mấy đốm vàng".

Tôi không thích cách bình luận đó mặc dù bản thân tôi không cảm tình với lực lượng cảnh sát giao thông vì nhiều lý do.
Tôi thấy bình luận đó không mang tính xây dựng, chỉ khoét sâu vào mâu thuẫn giữa cảnh sát và người dân.

Giải quyết vấn đề nhiều khi không dễ như người ta tưởng.

Một chuyện nhỏ như sau:
Ngày tôi ở Đức về, tôi rất ngạc nhiên thấy người đi thu tiền điện, tiền điện thoại, tiền nước, tiền Internet phải đi lại nhiều lần, thậm chí nhiều người còn bị đuổi về với lý do là hôm nay, chủ nhà không có tiền (?!)

Tôi đã đặt câu hỏi về khả năng quản lý của Chính quyền.
Ở Đức, nếu bạn không trả tiền phí dịch vụ đúng hạn, sẽ có một giấy báo cho bạn biết là bạn không trả tiền. Giấy báo sẽ bao gồm tiền phí đáng ra bạn phải trả từ lần đầu và phí gửi thư cho bạn lần thứ 1, số tiền phải trả sẽ cao hơn số tiền mà nếu bạn trả ngay từ lần báo đầu. Nếu bạn vẫn chưa trả, sẽ có giấy báo lần 2, số tiền lại cao hơn. Nếu bạn vẫn chưa trả, sẽ có giấy báo lần 3 và lại cao hơn nữa do chi phí hành chính phải nhắc nhở bạn. Nếu bạn vẫn không trả, sẽ có giấy báo ngắt dịch vụ, bạn muốn mở lại, bạn phải trả chi phí và giấy báo bạn sẽ bị kiện tại tòa và phải trả chi phí tòa nếu bạn vẫn không trả tiền dịch vụ và chi phí hành chính phụ trội.

Một qui trình thực sự đơn giản mà tại sao Việt Nam không làm? Nảy sinh ra rất nhiều lao động suốt ngày đi đòi nợ dịch vụ một cách rất phi lý, lãng phí lao động xã hội...

Tôi luôn đổ lỗi cho hệ thống trì trệ về vấn đề này, tất nhiên, một hệ thống khôn ngoan sẽ đẩy tiến bộ xã hội lên nhanh hơn, song, nếu chỉ đổ lỗi cho hệ thống thì sẽ phiến diện. Cách đây vài hôm, chị thu tiền điện thoại đến chỗ tôi thu tiền, tôi hỏi chị là tôi có thể thanh toán qua Internet và tôi biết dịch vụ của chị có hỗ trợ chuyện này để chị đỡ phải đi lại, song chị tỏ ra không đồng tình vì chị thu tiền theo số lượng hóa đơn và thu nhập của chị cũng căn cứ vào đó, nếu tất cả mọi người trả tiền qua mạng, chị sẽ không còn việc để làm.

Sự tiến bộ phải đi cùng với sự phát triển của nhận thức người dân.
Có thể có người sẽ bảo, khi có một hệ thống tốt hơn, những người mất việc sẽ tự phải thay đổi mình vì cái chung.
Thay đổi con người không dễ, giả như, bạn biết bạn có một tật xấu, bạn thử từ bỏ nó xem.
Từ lời nói đến làm là một quá trình, không phải cứ muốn là làm, nó còn phụ thuộc vào nhiều ràng buộc.

Dạo này, báo chí hay nói đến việc công an hay đánh người trong lúc thẩm vấn, công an đạp vào mặt người biểu tình, người tử vong sau khi bị tạm giam...

Hồi nhỏ, tôi thuộc dạng phát triển chậm nên hay bị bạn bè trêu chọc thậm chí hay bị chúng đánh. Khi biết nhận thức một chút, tôi không muốn bị người ta đánh nữa nên tìm cách bảo vệ mình bằng việc học cách đánh nhau ra sao, lúc nào nên chạy, lúc nào nên đánh, đánh ở đâu và đánh lúc nào... Bởi vì mong muốn không bị đánh nữa nên tôi tìm thầy học cách đánh nhau và học rất chăm với mục đích duy nhất là không muốn bị đánh nữa. Từ đó, tôi hầu như không bị đánh chỉ trừ một lần, tôi bị đánh trong lúc mơ màng ngủ trên giường. Tôi hiểu thêm một điều nữa là bạn có thể bị đánh vì một kẻ hèn nhát hoặc bạn có thể bị đánh khi bạn đang bị trói chặt.

Hồi học lớp 2, tôi luôn bị một cô gái nhỏ bé bắt nạt vì cô ta có mấy ông anh rất to lớn, tôi thường bị mấy thằng anh đánh vì chỉ muốn... vuốt tóc cô gái nhỏ đó vì cô ta quá đẹp trong mắt tôi. Trớ trêu thay, cô gái nhỏ lại luôn nghĩ là tôi sợ cô ta nhưng thực ra, tôi sợ mấy ông anh của cô ta, nên càng làm tới, chỉ cần phát hiện ra tôi liếc nhìn trộm cô ta là không khéo cũng bị ăn đòn.

Khi lớn, tôi biết ông thầy dạy tôi "kỹ thuật", tôi tạm gọi là "kỹ thuật khỏi bị đánh", là người tôi cho là có kỹ năng tốt. Ông vẫn sống, khỏe mạnh, suốt ngày đi câu và ngoài việc là thầy của đám đệ tử lăng nhăng, ông cũng là ông chú đáng kính.

Tôi cũng thấy mấy đồng chí hình sự đa số phải luôn tiếp xúc với công việc khó khăn nên kỹ năng, cách đối phó tình huống khá nhuần nhuyễn. Tôi cũng không thấy có gì phải quá khâm phục vì theo tôi biết, các bà đỡ Việt nam đỡ đẻ rất khéo, nhiều khi khéo hơn cả Tây vì Việt nam đẻ nhiều, đẻ mắn, làm nhiều thì quen tay mà thôi. Cũng vậy, tội phạm Việt Nam nhiều, liều lĩnh, đối phó nhiều sẽ quen, cộng thêm nếu được huấn luyện kỹ, làm việc có cộng sự, cộng với cái uy của Chính quyền và bộ sắc phục, sẽ trấn áp được tội phạm. Những người không biết sẽ tưởng họ ghê gớm, nhưng muốn nói gì thì nói, tôi cho họ là những người dũng cảm, sống hết mình.

Song, ngược lại nếu ngộ nhận, tưởng mình là cái gì thì lại không phải.

Một kẻ bị trói, bị giam hay tạm giam ở trong đồn mà bị đánh thì thật là hèn hạ khi ai đó đánh anh ta.
Kẻ hèn hạ hay làm điều đó.

Và khi Chính quyền có nhiều kẻ như thế trong bộ máy của mình thì Chính quyền đó nên xem lại.




Hà nội ngày 7/6/2105

Comments

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?

Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?