Quyền biểu thị của người dân
Tham khảo:
Vnexpress: Tôi có dịp tham gia một cuộc biểu tình tại Zurich, thủ phủ của ngành ngân hàng toàn cầu, trong cơn bão phong trào Chiếm phố Wall hồi năm 2011. Người Thuỵ Sĩ thuộc đủ thành phần tụ tập ở Paradeplatz, nơi đặt trụ sở của Credit Suisse và UBS, để phản đối chính sách hỗ trợ ngành ngân hàng.
Khắc Giang
Vnexpress: Tôi có dịp tham gia một cuộc biểu tình tại Zurich, thủ phủ của ngành ngân hàng toàn cầu, trong cơn bão phong trào Chiếm phố Wall hồi năm 2011. Người Thuỵ Sĩ thuộc đủ thành phần tụ tập ở Paradeplatz, nơi đặt trụ sở của Credit Suisse và UBS, để phản đối chính sách hỗ trợ ngành ngân hàng.
Những bộ não siêu phàm từ giới tinh hoa có đủ lý lẽ để cho rằng người
dân không hiểu gì về sự phức tạp của hệ thống tài chính, qua đó nên để
mọi việc cho nhà nước lo. Họ có thể cấm cuộc biểu tình, bởi các lý do
thường thấy như gây bất ổn xã hội hay làm mất trật tự công cộng.
Nhưng điều đó đã không diễn ra. Người dân được tụ tập ở đó suốt hai
ngày cuối tuần, giăng biểu ngữ, diễn thuyết về quan điểm của mình, phát
tờ rơi, và thậm chí là nấu cháo miễn phí cho những ai tham gia. Cảnh sát
và xe cứu thương được điều động đến để bảo vệ người biểu tình. Tất cả
mọi thứ đều được tổ chức rất chu đáo, văn minh, và lịch sự.
Nhìn vào đó, không khó để hiểu vì sao Thuỵ Sĩ được cho là quốc gia có
nền dân chủ trực tiếp, hình thái chính trị cho phép người dân bày tỏ
chính kiến với chính quyền mà không thông qua trung gian tốt nhất thế
giới.
Ở Việt Nam, trong thời gian vừa qua việc người dân bày tỏ thái độ với
một số chính sách xuất hiện nhiều hơn. Đó là phản ứng của người dân Hà
Nội về việc chặt hạ cây xanh, của người Đồng Nai với dự án lấp sông xây
đô thị, của người lao động TP HCM về Luật Bảo hiểm Xã hội, hay gần đây
là vụ người dân Bình Thuận chặn quốc lộ 1A, yêu cầu EVN xử lý ô nhiễm
môi trường.
Việc người dân sẵn sàng thể hiện chính kiến là điều đáng mừng, bởi đó
cho thấy họ không còn thờ ơ với thời cuộc, quan tâm nhiều hơn tới những
vấn đề có tác động lớn đến đời sống của mình. Đây là điều kiện cần để
gia tăng sự tham gia của nhân dân trong công tác xây dựng chính sách,
theo nguyên tắc: “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Một đất
nước của dân, do dân, và vì dân thì nguyên tắc trên luôn cần được tôn
trọng.
Jonathan Hassid, một học giả về truyền thông chính trị, cho rằng việc
biểu thị thái độ có vai trò như van xả áp khi sử dụng nồi áp suất. Nó có
tác dụng điều tiết tâm lý xã hội một cách liên tục, giảm bớt căng thẳng
khi giữa chính quyền và người dân có khúc mắc.
Tuy nhiên, điều đáng lo là dường như chúng ta chưa có đầy đủ cơ chế để
“van xả áp” hoạt động hiệu quả. Những hành động vừa qua của người dân
phần nhiều mang tính tự phát và đi trên ranh giới giữa hợp pháp và bất
hợp pháp, và tất nhiên, chứa đựng nhiều rủi ro cho cả người dân và chính
quyền.
Nguyên tắc phát triển phổ quát là sự thịnh vượng về vật chất luôn đi
kèm với đòi hỏi nhiều hơn về chính trị. Đó là may mắn của mọi quốc gia,
bởi sự tham gia rộng rãi của người dân sẽ khiến các chính sách trở nên
thực tế hơn. Tuy nhiên vận may này là con dao hai lưỡi, bởi trí tuệ tập
thể có thể chụm lại nên hòn núi cao, nhưng cũng có thể trở thành chuyện
“đẽo cày giữa đường”.
Vậy xây dựng cơ chế biểu thị của người dân như thế nào là hiệu quả? Từ
trước đến nay, các tổ chức đoàn thể được coi là sợi dây truyền tải, nối
liền chính quyền với người dân. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng,
qua những sự việc vừa qua, sợi dây này đã bị mất liên lạc ở một số nút
thắt. Công đoàn đã không phổ biến và giải thích đầy đủ cho người lao
động TP HCM về luật Bảo hiểm Xã hội mới, trong khi các cơ quan đoàn thể
đã gần như để “lạc mất” người dân ở Hà Nội, Đồng Nai, Bình Thuận, và
Khánh Hoà.
Vì vậy, song song với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức
đoàn thể trung gian, tôi cho rằng việc xây dựng các luật nhằm cụ thể các
hình thức dân chủ trực tiếp như Luật Biểu tình, hay Luật về Tiếp cận
thông tin mà Quốc hội đang triển khai là hết sức đúng đắn. Đây là những
công cụ cho phép người dân trực tiếp bày tỏ ý kiến, dưới danh nghĩa cá
nhân hay tập thể với cơ quan nhà nước. Nó cũng cho phép người dân thực
hiện quyền lực giám sát nhà nước của mình theo quy định của Hiến pháp.
Những chính sách thành công của nước ta, từ hội nghị Diên Hồng quyết
tâm đánh quân Nguyên – Mông, cho đến thời kỳ Đổi mới những năm cuối
1980, đều có sự tham gia và đồng thuận bởi phần đông dân chúng. Không
phải chính sách nào được đem ra thảo luận, trao đổi, tranh cãi giữa nhân
dân cũng là chính sách tốt, tuy nhiên, khả năng hữu dụng của nó chắc
chắn sẽ cao hơn những chính sách được làm mà không qua tham vấn người
dân.
Yêu cầu quốc hữu hoá ngân hàng của người biểu tình Thuỵ Sĩ hồi năm
2011, tất nhiên, đã thất bại. Tuy nhiên, không vì thế mà họ giận dữ, đập
phá hay chống đối chính quyền. Mọi thứ trở lại nguyên vị trí của nó
trên quảng trường Paradeplatz sau hai ngày cuối tuần, họ lại vui vẻ đi
làm, thậm chí là cho chính ngân hàng họ phản đối. Nhu cầu biểu thị nhiều
khi cũng không nhằm mục đích to tát, chỉ đơn giản là được nói lên những
gì mình nghĩ, được lắng nghe, hay đối thoại.
Khắc Giang
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete