Những kẻ đốt tiền
Người “đốt” tiền thời nay khác người đốt tiền thời xưa. Họ “đốt” tiền bạo tay, rất bạo tay vì tiền đó chẳng phải của mình mà là của Nhà nước. Hơn nữa sau khi “đốt” tiền của Nhà nước, gia đình họ đâu có bị tán gia bại sản, mà dù có bị phanh phui chuyện lãng phí, cá nhân họ thường cũng chỉ bị Nhà nước bắt nghiêm khắc kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc mà thôi.
Một góc của Văn miếu Vĩnh Phúc |
Ai chả biết, kẻ dám đem tiền ra đốt, đó là công tử Bạc Liêu. Mà câu chuyện có thật, xẩy ra cách đây gần trăm năm, trong một lần công tử Bạc Liêu mời công tử Mỹ Tho xem gánh hát Huỳnh về hát ở tỉnh nhà, hai vị công tử ngồi cạnh nhau trên hàng ghế đầu. Công tử Mỹ Tho rút thuốc hút, tình cờ làm rơi tờ giấy bạc “bộ lư” (mệnh giá 5 đồng Đông Dương) xuống nền, anh cúi xuống tìm nhặt tờ giấy bạc, nhưng trong rạp ánh sáng lờ mờ, nên tìm hoài không được. Công tử Bạc Liêu không nói không rằng, bất ngờ móc túi lấy tờ giấy bạc “con công” (mệnh giá 100 đồng Đông Dương, tương đương khoảng 15 triệu đồng hiện nay) rồi lạnh lùng bật hộp quẹt đốt để làm “đuốc” soi cho Công tử Mỹ Tho tìm tờ giấy bạc mệnh giá 5 đồng Đông Dương bị đánh rơi.
Nhưng ấy là chuyện xưa, và tưởng là chuyện độc nhất vô nhị, nhưng hóa ra bây giờ những chuyện đốt tiền như vậy lại nhiều, mà mức độ còn khủng khiếp hơn. Chẳng hạn gần đây nhất tỉnh Vĩnh Phúc bỏ 271 tỷ đồng xây dựng văn miếu, đủ cả các hạng mục hồ Thiên Quang, tứ trụ, cầu đá, nghi môn, đền chính, bia tiến sĩ, gác chuông, gác trống, sân hành lễ, đại thành môn... Lạ là theo thông lệ, mọi công trình trước khi xây dựng phải có đề án được phê duyệt, nhưng công trình này xây sắp xong mà chưa biết thờ ai, chưa thống nhất là để thờ ai? Nếu không thống nhất được thì Văn miếu này bỏ không hay sao? Đó chẳng phải là đem tiền đi “đốt” đó ư? Dù văn miếu mới được xây dựng trên cơ sở văn miếu phủ Tam Đới đã mất cách đây 300 năm nhưng nó không có bề dày lịch sử nên khó phát huy được tác dụng thực tiễn kể cả về tâm linh hay du lịch. Hơn nữa, đầu tư 271 tỷ đồng để xây văn miếu trong giai đoạn kinh tế đất nước còn khó khăn là lãng phí. Với điều kiện thiếu thốn của tỉnh Vĩnh Phúc, còn có nhiều việc cần đầu tư hơn như: xây trường học, nhà ở, bệnh viện... cho đồng bào nghèo khó.
Chuyện này khiến mọi người lại không thể không nhớ đến chuyện cũng mới gần đây, người ta xây dựng một nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tổng diện tích 11.800m2 ở thị trấn Me. Năm 2012 nhà máy hoàn thành và được bàn giao cho UBND huyện Gia Viễn quản lý, sử dụng với công suất 950m3/ngày, có tổng mức đầu tư trên 10,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách sự nghiệp môi trường, được xây dựng với mục đích xử lý nước thải sinh hoạt, ngăn chặn ô nhiễm và khôi phục cảnh quan môi trường trên lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy. Tuy nhiên, nhà máy này sau khi đưa vào sử dụng được thời gian ngắn thì ngừng hoạt động, rồi bỏ hoang trong thời gian dài. Toàn bộ khuôn viên rộng hàng nghìn mét vuông của nhà máy hiện bị cỏ dại mọc um tùm không còn lối đi. Nhà máy tiền tỷ nhưng không có người trông coi, cửa và các thiết bị điện của khu nhà điều hành bị vặt rỡ. Toàn bộ hệ thống bể lọc, bể chứa, bãi lọc ngầm và ống dẫn nước đã bị hư hỏng nằm chỏng chơ khắp nơi. Khu tường rào xung quanh nhà máy bằng sắt cũng đã bị cắt bỏ, tháo rỡ… Lý do rất đơn giản là họ xây dựng nhà máy lý nước thải nhưng không hề nghĩ đến chuyện xây dựng hệ thống thu gom, dẫn nước từ các khu dân cư của thị trấn về nhà máy để xử lý nên không đủ lượng nước thải để vận hành, đành để nhà máy “chết”. Đó cũng chẳng phải là đem tiền nhà nước đi “đốt” hay sao?
Những chuyện “đốt” tiền như trên của thời nay nếu kể ra thì nhiều.
Tuy nhiên, người “đốt” tiền thời nay khác người đốt tiền thời xưa. Cái khác thứ nhất là người đốt tiền thời xưa chỉ dám đốt tờ tiền mệnh giá 100 đồng Đông Dương, tương đương khoảng 15 triệu đồng hiện nay, còn bây giờ người “đốt” tiền dám đốt cả chục tỷ, thậm chí cả trăm, hàng ngàn tỷ. Nhưng cái khác thứ hai, là cái khác cơ bản nhất, đó là người thời xưa đốt tiền mà biết tiếc, biết sợ. Ai cũng biết chuyện sau khi bị Công tử Bạc Liêu đốt tiền làm quá mất mặt trước mọi người, công tử Mỹ Tho đã ra lời thách đấu thi nhau đốt giấy bạc để nấu nồi chè đậu xanh, ai nấu nồi chè sôi trước, người ấy thắng, nhưng Công tử Bạc Liêu đã từ chối lời thách đố đó, nói với người nhà rằng: Tội gì đốt cả đống tiền của mình để nấu chè, quá phí phạm. Hơn nữa chưa biết chừng bị Pháp bắt bỏ tù cũng nên vì tội hủy hoại nhiều giấy bạc. Còn bây giờ người ta “đốt” tiền bạo tay, rất bạo tay theo kiểu “vén tay áo sô, đốt nhà táng giấy” vì tiền đó chẳng phải của mình mà là của Nhà nước. Hơn nữa sau khi “đốt” tiền của Nhà nước, gia đình họ đâu có bị tán gia bại sản, mà dù có bị phanh phui chuyện lãng phí, cá nhân họ thường cũng chỉ bị Nhà nước bắt nghiêm khắc kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc mà thôi.
Vì vậy, người ta sẽ vẫn cứ “đốt” tiền, vẫn cứ tiếp tục lãng phí tràn lan.
Nguyễn Đoàn
Comments
Post a Comment