Đi tìm đà điểu (Alan Phan)


Nhớ tới ông Alan Phan và những câu nói thấm thía, hài hước ông để lại cho chúng ta:

"Lại tản mạn về Việt Nam. Chúng ta nên dùng đà điểu làm biểu tượng cho quốc gia thay vì rồng đất. Vì từ lãnh đạo đến người dân đều có khuynh hướng vùi đầu xuống cát khi gặp chuyện rắc rối: không nghe, không thấy, không nói…
Nhưng có lẽ chúng ta chẳng cần nuôi ostrich. Mỗi người Việt đều có con ostrich trong hồn.

Alan Phan "

Đây có lẽ là bài viết cuối cùng ông để lại cho chúng ta vào ngày 26/9/2015.
Gần một tháng sau, ngày 19/10/2015, ông đã bất ngờ ra đi vĩnh viễn lúc 70 tuổi.



Đi Tìm Đà Điểu

Alan Phan

26 September 2015

“Người ngu nào cũng có thể nhắm mắt lại không muốn thấy; nhưng không hiểu con đà điểu thấy gì sâu dưới cát – Any fool can turn a blind eye but who knows what the ostrich sees in the sand – Samuel Beckett”


Tuần rồi, một người bạn Mỹ đã quen từ vài chục năm nay chở tôi xuống trang trại của hắn gần biên giới Mexico để thăm quan business mới nhất: nuôi đà điểu (ostrich). Hắn không phải là nông dân, nhưng sau khi nghiên khảo cẩn thận trên mạng và các sách về kỹ thuật, hắn khám phá là nuôi ostrich có một tỷ lệ sinh lời cao nhất trong ngành chăn nuôi.

Lý do thì vô số kể, nhưng tôi chỉ ghi chép lại tổng quát, vì trong thâm tâm, tôi không nghĩ đây là chuyện kinh doanh phù hợp với kỹ năng cũng như đam mê của mình. Tuy nhiên, tôi hăng hái theo hắn vì mỗi ngày GNA nhận được khá nhiều câu hỏi từ Việt Nam là “nên trồng cây gì, nuôi con gì” để có lợi nhuận tốt nhất? Câu trả lòi đơn giản với người Việt ở đây là “cây cần sa và con ca ve”.

Nói cho vui thôi, chứ ông bạn Hector của tôi đã tìm ra câu giải đáp mà tôi xin trích thuật lại đây. Cần nói trước là tôi KHÔNG biết gì về ostrich, KHÔNG có kinh nghiệm gì về nuôi hay bán sản phẩm ostrich, chưa nghiên khảo và kiểm định lại các số liệu của Hector, và việc nuôi hay bán ostrich ở Mỹ có thể khác xa các thực tế tại Việt Nam. Cũng xin nhấn mạnh là tôi không có sản phẩm gì về ostrich để bán, mua hay quảng cáo; tóm lại zero quyền lợi trong việc này. Các bạn nào có ý thích, muốn lập dự án ostrich này tại Việt Nam, nên nghiên khảo lại cẩn thận, tìm gặp các nhà chăn nuôi ostrich đã có kinh nghiệm, các chuyên gia tại viện đại học, sở nông nghiệp…

Theo Hector, đây là những lý do chính khiến việc nuôi ostrich khá hấp dẫn về phương diện tài chánh:

Giá bán: Tại Mỹ, hiện nay, một trứng ostrich để gây giống nặng khoảng 2 kg có giá là $500 ; và một cặp giống loại đầu đen Africa bán ra từ $20,000 đến $50,000. (Theo tôi tính, mua 1 con ostrich có thể tốn tiền nhiều hơn làm visa cưới một ông chồng hay một bà vợ Việt?) Mỗi năm, 1 con ostrich đẻ khoảng 40 trứng. Thịt của ostrich cũng nhiều gấp 4 lần một con bò (1,800 kg so với 300kg) và giá bán cũng cao hơn chút đỉnh ($25/kg). Thịt ostrich đang được giới ăn kiêng thích vì lượng béo (fat) , caloriescholesterol ít hơn cả thịt gà trắng.

Các phụ phẩm: Da ostrich có giá trị tương đương với da cá sấu; và lông (feather) của ostrich cũng được dùng làm nhiều đồ trang trí. Các thương hiệu LV, Gucci, Versace… đều có xách tay, giầy, ví da… làm bằng da ostrich. Tính ra 1 con ostrich mái có thể sản xuất 72 ngàn kí thịt, 2 ngàn mét vuông da (khoảng $3 ngàn /mét vuông) và 2 ngàn kí lông (khoảng $ 2 ngàn /kí) trong suốt cuộc đời của cô nàng. Chắc chắn lợi ích kinh tế của con ostrich sẽ nhiều gấp bội lần các quan chức Việt. Cho các quan hưu sớm và nuôi 3 triệu con ostrich sẽ đem về cho GDP số tiền gần 100 tỷ US dollars.

Thổ nhưỡng và thiết bị: Người ta thường nuôi ostrich ở những vùng đất khô cằn gần sa mạc nóng bức…nên giá đất cho trại ostrich rẻ hơn nhiều vùng khác. Chỉ cần vài bóng cây, lều tranh hay mái tôn sơ sài cho ostrich trú gió mưa lớn, giếng hay mạch nước đầy đủ, và bất cứ loại thực phẩm gia súc rau cải nào có tại địa phương…Một con ostrich trung bình sống đến 70 năm, ăn chỉ bằng nửa trâu bò và có thể sống khá chật chội.

Bệnh tật: Vốn là con cháu cùa khủng long T-Rex từ trăm triệu năm trước, nên thể chất ostrich rất mạnh khỏe và thích ứng nhanh với mọi môi trường.


Dĩ nhiên, sẽ có một vài rủi ro khi nuôi ostrich:
Giống ostrich từ Nam Phi hay mang theo virus gọi là heartwater virus. Rất độc hại, có thể thiêu hủy cả triệu triệu gà, vịt, ngay cả heo, bò… Chính phủ Mỹ phải cách ly loại ostrich này vài ba tháng trước khi cho phép nhập vào Mỹ…

Ostrich chạy nhanh đến 70 km/h và do đó, sức mạnh của cú đá của nó lên đến 140 kg mỗi cm vuông. Nó có thể đá chết một con sư tử. Hôm ở trại của Hector, tôi thấy cần 4 nhân công Mễ lực lưỡng để kiềm chế một con ostrich. Người Việt ta chắc phải cần cả 1 tiểu đội? Theo góc nhìn khác, nếu dân Việt khỏe như ostrich, chắc chúng ta khỏi phải lo chuyện…

Hector hiện nuôi khoảng 500 con ostrich trên 20 hectares và đã đầu tư từ 2 năm nay hết khoảng 1 triệu US dollars. Bắt đầu 2016, anh ước lượng cash flow mỗi năm của anh khoảng $450 ngàn US dollars.
Trước khi chia tay, nhóm nhân viên Mễ của anh làm BBQ ostrich steak, nhậu với Corona beer và salsa chips. Dưới bóng râm của cây avocado, trên bãi cỏ xanh cạnh con suối nhỏ, chúng tôi kể cho nhau nghe những chuyện khôi hài về Mỹ-Mễ, về Obama-Trump, về Tijuana-Beverly Hills… Cái đơn giản của những cuộc sống không bị ô nhiễm bởi thủ đoạn, quyền lực hay dối trá.
&&&&&

Tôi ngủ thật say trên xa lộ quay về Los Angeles. Tuổi 70 vẫn thích thú học hỏi, tìm tòi những trải nghiệm mới lạ; nhưng chỉ sau vài giờ, là ngáp dài… và chỉ mong về đến nhà để nằm dài trên sofa đọc sách, mơ màng giữa ly cà phê và khu vườn bóng mát sau nhà.

Lại tản mạn về Việt Nam. Chúng ta nên dùng đà điểu làm biểu tượng cho quốc gia thay vì rồng đất. Vì từ lãnh đạo đến người dân đều có khuynh hướng vùi đầu xuống cát khi gặp chuyện rắc rối: không nghe, không thấy, không nói…

Nhưng có lẽ chúng ta chẳng cần nuôi ostrich. Mỗi người Việt đều có con ostrich trong hồn.



Alan Phan

Comments

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?

Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?