Kẻ thù của dân tộc

Ôi Hà nội !

Cạnh cửa hàng mình có quán Spa làm đẹp, sửa móng chân, móng tay, dưỡng da ...
Quán khá đẹp, các em trong đó nhìn cũng xinh tươi, nhưng cứ buổi trưa tới, một em xinh đẹp đi từ trong ra vứt toẹt vỏ cơm hộp cùng mấy cái nilon lằng nhằng ra vỉa hè.

Nhìn mà thấy thảm !

Phố Hào nam làm và sửa gần 20 năm nay mà vẫn chỉ có mấy cái cây mọc lún phún, cả phố toàn bê tông, đường sắt trên cao của anh bạn Tàu vẫn be bét, hỏi khi nào xong thì không ai trả lời được.

Bụi bẩn... mùa hè đến, nắng, bụi, rác quện vào nhau thì phải biết !

Đèo con gái đi chơi, qua các phố phường, thấy toàn bê tông, cây thì mọc lung tung, mỗi phố một loại cây, chẳng phố nào giống phố nào. Hai bố con vòng ra đường Láng ven sông Tô lịch đúng lúc tan tầm, một bên là con sông thối (thực ra là cái cống lớn), một bên là các dãy nhà ven đường, người ta vẫn phải sống, hít thở, ngồi ăn trong môi trường bụi, khói xe, mùi thối của sông bốc lên.

Con gái bảo;
- Sao họ khổ thế hả bố ?

Tôi bảo con gái:
- Có thể họ chưa có lựa chọn nào khác.

Đi một lúc đến Royal City của bác Nhật Vượng, mình bảo con gái là ở trong này, không khí được lọc, sạch sẽ hơn, không bao giờ mất điện, những người có điều kiện hơn, họ sống ở đây.
Vào đến nơi, bố con tạm thời quên đi cái không gian bên ngoài vừa ..."nếm trải".


Royal City, Hà nội


Trong một bối cảnh..."bùng nhùng" đó, vẫn có những người làm được những việc khác thường.
"Royal" mọc lên bên cạnh con sông thối, vẫn giữ được đẳng cấp của mình.

Còn có quá nhiều việc phải làm trên đất nước này vì chỉ có số ít giống Royal City mà thôi, xung quanh nó là sự tàn phá, dối trá, tranh giành miếng ăn, hung hăng...

Chiều ngồi gọi điện cho anh bạn, hỏi nó đang ở đâu, nó bảo đang đi từ Vinh ra vì có đám tang của một người họ hàng bị ung thư.
Nhà mình có người bị ung thư, chết vì ung thư, hôm nay, mẹ mình lại báo ông cậu ở quê có khối u thực quản ...

Mẹ đương nhiên là buồn !

Rồi cậu nhân viên của tôi cũng có bà mẹ còn trẻ đã mất vì ung thư không lâu.

Hôm kia, có cậu khách hàng là kỹ sư cầu đường trong Cty thuộc UBND Thành phố Hà nội muốn mở cửa hàng rau sạch vì bố cậu ấy bị ung thư, cậu ấy lo cho chính bản thân cậu ấy và các con.

Cậu ấy lo cái ăn vì cậu lo với cái đà này, một ngày không xa, số phận cậu ấy và các con cậu ấy sẽ ra sao ?

Cậu ấy là kỹ sư cầu đường, hầm chui Kim liên là do Cty cậu ấy thi công. Cậu ấy bảo, làm được cái hầm thì khổ mọi đường, đủ các cản trở...

Nghĩ mà kinh !

Rồi khi làm đường, không biết trồng cây gì vì làm gì có qui định nào, mọi thứ cứ loạn cả lên.

Và thành phố cứ bê tông "mọc lên" !

Mình có hoang mang không ?
Ai bảo không ?

Nhớ đến Giáo sư Cù Trọng Xoay hát về một giấc mơ "những con đường rực rỡ nắng vàng, những con đường, hàng cây nối hàng ...":

Song thực tế là:

"Những con đường giờ nắng rát mặt
Khắp phố phường, hàng cây mới chặt
Gió xuân về, cuộn bay lá xanh
Gốc cây, vết nhựa còn tươi
Nhớ những bóng mát trưa hè
Bao năm qua ta đi về
Nay ta cưa cây đi rồi
Chắc sẽ nhớ mãi khôn nguôi
Hà nội rồi sẽ trơ bê tông
Như bị vặt lông...

Có gỗ rồi, chẳng lo gỗ lậu
Mỗi chim trời là mất chỗ đậu
Những con người, đang ra sức cưa
Nhân danh, xây dựng thủ đô

Nhớ những bóng mát trưa hè
Bao năm qua ta đi về
Nay ta cưa cây đi rồi
Chắc sẽ nhớ mãi khôn nguôi
Hà nội rồi sẽ trơ bê tông
Như bị vặt lông...

Hà nội rồi sẽ trơ bê tông
Như bị vặt lông ..."

                                                                            

Rồi cũng một ngày, đèo con gái đi chơi qua đường Hùng Vương cạnh Lăng Bác. Mình chỉ cho con gái xem hai hàng cây bên đường và nói rằng năm 1975, khi bố còn nhỏ, những chiếc cây này đã được trồng.
41 năm rồi, nó ít tán, đứng vô duyên giữa con đường bê tông to lớn, thẳng thớm ra Lăng Bác.

Mùa hè, Hùng Vương vẫn nảy lửa vì  nóng.


Đường Hùng Vương

Tôi nói con lùi lại một tí, nhìn đường Phan Đình Phùng, đi thêm chút nữa ra Hoàng Diệu.
Tôi bảo con là những con đường và cây này người Pháp qui hoạch, người An Nam trồng và xây.
Người ta bảo xà cừ không phù hợp .., nhưng họ đã nghĩ ra cái gì hay hơn chưa, cứ làm được như người ta đã rồi hãy tỏ ra khôn hơn.


Đường Phan Đình Phùng

Rất tiếc, Hà nội chỉ còn vài con đường như thế !

Khi nói chuyện với cậu kỹ sư cầu đường, mình nói trong một tổng thể xây dựng, tôi cho bê tông là dễ nhất, cứ có tiền, kỹ sư, nhân lực là ta xây, khó nhất vẫn là không gian sống - cây xanh, công viên ..., nay ta cứ đi làm cái dễ, đường toàn bê tông, cái khó là cây xanh để sau.

Mình cảm thấy ngột ngạt !
Tiếng kêu của mình có thể sẽ chìm vào quên lãng.
Mình sợ cái dân tộc đánh Mỹ này.

Hôm qua, con gái hỏi:
- Sao Mỹ sang giúp mình mà mình lại đánh họ ? 

Tôi bảo;
- Giả sử nhà hàng xóm mình là nhà thông minh, khôn hơn nhà mình, văn minh hơn, vợ chồng tôn trọng nhau. Họ biết dạy con cái, không đánh trẻ con, kinh tế gia đình tốt. 
Nhà mình ngược lại, dạy con kém, đông con, các con không được dạy dỗ đàng hoàng, bố mẹ hay đánh nhau, đánh chửi con cái ...


Trang phục quan quân ta ngày xưa

Một ngày, ông hàng xóm thấy nhà mình ngu, đất rộng, có ao thì muốn sang chiếm hữu, mặt khác, cũng muốn dạy cho nhà mình văn minh hơn, dạy cách ăn mặc, xây nhà, cách cắt tóc gọn gàng, đàn ông không để búi tó, đi guốc gỗ mà phải cắt tóc ngắn, đi giầy; dạy mình viết chữ quốc ngữ, không theo hệ chữ Hán, dạy mình biết lịch mặt trời, dạy mình yêu Đức Chúa Trời, bỏ đi các tôn giáo hủ lậu Trung Hoa, Ấn Độ, sống theo văn hóa mới. 
Họ dạy rất nhiều bên cạnh việc chiếm hữu (vì trên đời, có ai làm không cho ai cái gì, trừ khi bố mẹ đối con cái); và có thể nói, tất cả những cái gì xung quanh con hiện nay,  từ cái bóng đèn, quần áo con mặc, bàn chải đánh răng, cái nhà con ở, cái quạt, cái điều hòa, gạch men con đang đi ở trên, đôi giầy chân con đang mang, cái đồng hồ cho con biết giờ giấc ngày tháng cho đến gần như tất tần tật... đều là di sản văn hóa của họ.

Nhà mình đông con, bố mẹ cũng ngu và dốt ..., rồi, một trong số các con nhận ra nhà mình lạc hậu và ngu thì tìm cách tiếp cận, cầu thị học hỏi người hàng xóm ... Và những đứa con đó phát triển tốt, có nhiều cơ hội, nhiều đứa được ông hàng xóm đem về nhà (mẫu quốc) nuôi. Bố mẹ con sinh ra từ gia đình nghèo khổ thất học, thấy người ta giỏi thì buồn, khả năng có hạn mà lại muốn giữ thể diện cho mình và các con, cộng tính bảo thủ, nghĩ mình giỏi giang, lại dựa vào niềm tin tôn giáo hủ lậu, hoang tưởng, lại thấy người hàng xóm cắm dùi chiếm đất tự cho rằng nhà mình là "sân sau" của họ (thuộc địa) ... thì tìm cách ngấm ngầm rồi công khai chống lại.

Bố mẹ cùng các em còn lại của con tìm hỗ trợ của những người hàng xóm khác để chống lại người hàng xóm và một số anh em của con đi theo người hàng xóm đó. Bố mẹ đánh lại người hàng xóm để khẳng định đất đai, ao, vườn là của ông cha nhà mình để lại, không phải "sân sau" (thuộc địa) của ông hàng xóm đó. 
Các con gọi anh em con đã đi theo người hàng xóm là người xấu (là thế lực thù địch,  là ngụy).
Thời cơ đến, bố và các em con đã làm được việc đó, lấy lại đất tổ tiên, đuổi ông hàng xóm và con cái họ về nhà (về mẫu quốc).


Giải phóng Điện biên

Chúng ta tìm cách xây lại nhà và ao ta theo cách của chúng ta, đem nhốt những đứa em "lầm đường lạc lối" vào tù, lấy nhà cửa, ruộng vườn, đất đai của những người anh em "lầm đường" chia cho các con.

Và chúng ta có chủ quyền và độc lập, "xây dựng" nhà, vườn, ao "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" (HCM) theo cách của bố mẹ.

Rồi thời thế thay đổi, một ông hàng xóm khác văn minh hơn, thông minh hơn nhảy vào (Hợp Chủng Quốc). Ông này muốn giúp những anh em bị coi là "lầm lạc", bị cầm tù, bị cướp nhà cửa ruộng đất. Theo cách khác, ông này không cắm dùi ghi biển nhà, vườn, ao của chúng ta là 'sân sau (thuộc địa) của họ nữa. Bố mẹ nhắc nhở các con rằng đó là kiểu chiếm hữu mới mà trong sách của chúng ta gọi là "chủ nghĩa thực dân kiểu mới". Tuy nhiên, anh em bị cho là "phản bội" của các con có hướng đi mới, có người giúp đỡ mới. Nhà mình bị chia rẽ giữa bố mẹ, các con và những người anh em kia bị coi là "lầm lạc" kia. Nhà ao vườn đều bị phân chia cho các anh em "phản bội" của các con dưới sự hỗ trợ của ông hàng xóm mới. 
Những người anh em "lầm lạc" của con đặt tên phần nhà được chia theo tên khác, được khu phố (Liên Hiệp Quốc) công nhận. 

Và bố mẹ rất bực mình về chuyện này, bố mẹ muốn nhà đất ông cha để lại phải có cùng một tên, bố mẹ cùng các con một lần nữa lại bí mật và công khai chống lại người hàng xóm mới và những người anh em "phản bội" của mình. Bố mẹ một lần nữa lại tìm sự hỗ trợ của những người hàng xóm mạnh khác để chống lại người hàng xóm và những người anh em "phản bội" đó. 

Bố mẹ lại gọi họ là "thế lực thù địch, là ngụy".

Năm tháng trôi qua, nhà mình đổ máu nhiều, và một ngày tháng tư, nhà mình lại có thể gọi chung một cái tên. Bố mẹ lại bắt những anh em "phản bội" của các con vào tù, đày đọa, lấy nhà đất của cải cùa họ mà chia cho các con, đuổi người hàng xóm và con cái họ về. 
 Bố mẹ không công nhận sự giúp đỡ của họ. Bố mẹ có quyền khẳng định phẩm giá và thể diện của mình, và việc bố mẹ muốn giữ đất cha ông là việc lớn, việc nghĩa, tại sao họ lại can thiệp, dùng bạo lực khi bố mẹ và các con không muôn nghe theo họ.

Và bố mẹ lại xây dựng nhà ao vườn theo cách của mình.


Ngày tháng 4


Và điều gì xảy ra sau hơn 40 năm?
"Hà nội vẫn trơ bê tông, như bị vặt lông"  như các con thấy đấy !

Con ạ, nếu con muốn làm việc gì đó, muốn giúp ai đó, con nói họ không nghe, hãy để cho họ tự lựa chọn và quyết định vận mệnh của mình, đừng có luôn luôn dùng bạo lực như những người hàng xóm chúng ta thấy, trừ khi ai đó dùng bạo lực chống lại các con.

Đối với rất nhiều trường hợp, bạo lực không phải luôn là lựa chọn khôn ngoan.

Đấy là câu trả lời cho câu hỏi của con:
- Sao Mỹ sang giúp mình mà mình lại đánh họ ? 


Hà nội mấy hôm nay ngột ngạt quá. Bố muốn đưa các con đi đâu đó. Chú T, nhân viên của bố muốn bố về quê dân tộc của chú ở Yên Bái, nhưng chú nói trước với bố là sông chẳng ra sông, rừng chẳng ra rừng, suối chẳng ra suối, họ phá hết rồi, bố về sẽ thất vọng đấy.

Chú còn nói thêm:
- Chỉ được cái heo hút thôi !

Bố nản quá và quyết định cho các con đi Nha trang, Đà lạt và Đà nẵng để lên núi, để xuống biển, để hít thở.
Đâu đó, chúng ta vẫn đang phá rừng, chặt cây, làm thủy điện, điện hạt nhân. Chúng ta vẫn cho rằng chúng ta là vĩ đại. Chúng ta vẫn đi theo cái văn hóa và các tôn giáo của chúng ta, của người Hoa, của người Ấn và còn tin vào cái "tôn giáo Vô thần", tin vào chính mình, tin vào "bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm" (Hoàng Trung Thông).  Chúng ta vẫn nhổ ra đường, đái ra ao, ỉa gốc cây, đánh chửi nhau, tranh giành miếng ăn và chúng ta vẫn không thể từ bỏ ý nghĩ cho rằng chúng ta là vĩ đại bởi 4000 năm văn hóa và tôn giáo. 
Chúng ta vẫn vào chùa cúng vái để khẳng định tính "tôn giáo, văn hóa truyền thống ưu việt" của ông cha. Chúng ta sẵn sàng tẩy chay, chửi bới, xúc phạm, đánh đập... tất cả mọi thứ (nếu chúng trong vòng tay của chúng ta), miễn là chúng không giống với "niềm kiêu hãnh" của chúng ta.
Ngày giỗ tổ, chúng ta vẫn chen chúc để khẳng định tính "truyền thống và ưu việt" của cha ông đó và chúng ta cho rằng chúng ta không mất gốc.

Vậy "gốc" ở đây là cái gì?

Dường như chúng ta chưa bao giờ hiểu được xuất phát điểm yếu kém, lạc hậu, ngu muội của chúng ta để tìm cách cầu thị mà vươn lên; nhiều khi, chúng ta lại "tuyệt vọng tin vào mấy khúc gỗ được phủ một lớp bụi có tên lịch sử"....


Thổ dân Đà lạt

Bố biết tiếng kêu của bố có thể nhiều người cho là tiếng kêu vô vọng, lạc lõng, chìm vào không gian "văn hóa, tôn giáo" ở xứ này.

Song các con ạ, nơi đây bố mẹ, ông bà các con đã được sinh ra, nuôi lớn, và bố phải nói để nó tốt lên.

Hãy cố yêu quí những gì chúng ta đang có ở đây và làm nó tốt lên bằng cách chỉ đích danh kẻ thù của chúng ta là cái gì và là ai ?

Nó chính là cái văn hóa và các tôn giáo chúng ta đang tôn thờ .



Hà nội ngày giỗ tổ 2016
(đọc và sửa cuối tháng 1 năm 2020; cậu tôi thời điểm này đã mất vì ung thư lâu rồi, bố cậu kỹ sư cầu đường được nhắc tới ở trên cũng đã mất)

Comments

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular posts from this blog

Ngàn lý do để tôn vinh Chúa

ĐỘ NẶNG CỦA PHÍM ĐÀN PIANO (HAY TRỌNG LƯỢNG CẢM ỨNG PHÍM ĐÀN) - Tại sao phím đàn piano của tôi chơi cứng?

Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?