Thực tế về tình trạng kinh doanh đàn piano hiện nay ở Việt nam
Tôi người được học âm nhạc chuyên nghiệp từ nhỏ và có thâm niên kinh doanh đàn piano đén nay khoảng gần 20 năm, một trong một số người kinh doanh piano sớm ở Hà nội.
Ngày đó, phố Hào Nam, Hà nội (phố kinh doanh nhạc cụ), nếu không kể vài ba cửa hàng kinh doanh các loại nhạc cụ, không chuyên về piano, tôi là người đặt mục tiêu chuyên về piano đầu tiên ở phố.
Ngày đó, bán đàn piano cũng không quá khó như bây giờ vì còn ít người kinh doanh chuyên về nhạc cụ này.
Khi cuộc sống xã hội không còn quá khó khăn về vật chất, nhu cầu văn hóa tình thần cũng được nâng cao, người dân đi tìm các nguồn vui khác. Đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, đối với một ngành nghề hay thú vui mới, khi tiếp cận, thị trường và người cung cấp dịch vụ không tránh khỏi những bước đi chệch choạc.
Như đã đề cập trong một bài viết mới đây, nhiều người muốn sở hữu một cây đàn piano để tiếp cận với âm nhạc, một thứ văn hóa tinh thần đáng trân trọng. Giống như ăn phở, cũng có phở thế này, phở thế nọ, không phải phở nào cũng giống nhau. Đàn piano cũng vậy.
Đã qua cái thời, buổi sáng, bạn chẳng có gì ăn. Một ngày bạn chỉ có 2 bữa - bữa trưa và tối. Hôm nào bạn được ăn sáng, nhất lại là ăn ở hàng quán, có thể chỉ là bát phở, bát cháo, gói xôi, nhưng ít nhất, bạn cũng được ăn là đã vinh dự lắm rồi.
Có người ăn sáng xong còn ngậm cái tăm ở miệng suốt cả buổi để cho thiên hạ biết mình có ăn sáng, mà hồi đó gọi là "ăn quà sáng", chứ không phải nhịn hoặc ăn vội bát cơm nguội ở nhà trước khi đi làm.
Vâng, rất oai - tôi có ăn quà sáng, tôi không nhịn, cái tăm cắm ở mồm tôi minh chứng cho điều đó...
Là người kinh doanh đàn piano khá lâu năm, tôi khẳng định, không chỉ piano là nhạc cụ hay, nhiều nhạc cụ khác cũng hay, khả năng diễn tấu phong phú, có âm sắc riêng và rất đặc biệt. Có một chiếc piano ở nhà không phải là sai, tuy nhiên, cái đàn piano đó như thế nào mới là quan trọng. Bạn không cần phải "ngậm tăm" để thiên hạ biết bạn đã ăn sáng (vì thiên hạ bây giờ, ai chẳng có tiền ăn sáng). Bạn không phải có chiếc đàn piano để thiên hạ biết bạn có quan tâm đến văn hóa tinh thần hay không. Nói cách khác, chiếc piano đó như thế nào mới là quan trọng vì mua đàn piano bây giờ, ai chẳng mua được. Bạn có thể mua nhiều nhạc cụ rất hay khác như guitar, violin, clarinet, oboe, trumpet, fagote, kèn Co (french horn), accordion, sáo flute, saxophone, trống (drum), ngay cả đàn Ukulele.., chứ không nhất thiết phải đàn piano thì mới hay.
Saxophonist |
Khi chọn đàn piano, cũng không nhất thiết phải chọn một cây đàn không có một vết sứt nào vì là đàn cũ, khi người bán phải làm đẹp tất cả các vết sứt, chi phí sẽ cao hơn.
Khi một chiếc đàn cũ mang về, người thợ có trách nhiệm sẽ tìm những lỗi không thể bỏ qua để sửa chữa. Những lỗi này chỉ dân có nghề mới biết, bạn đừng chỉ nhìn bên ngoài, nếu bạn chỉ nhìn bên ngoài, không để ý đến thương hiệu của người bán, khả năng cũng như trình độ thực của họ, có lẽ bạn đã phạm sai lầm.
Nếu bạn muốn tìm một chiếc đàn piano cũ được sửa chữa cả nội dung lẫn hình thức, chiếc đàn đó thường đắt hơn những chiếc khác vì người thợ phải tỉ mỉ hơn rất nhiều, soi xét từng góc cạnh của đàn. Bạn là người đi mua đàn, bạn chỉ nhìn bên ngoài, những thứ bạn không thấy, ai sẽ là người quan tâm - hẳn phải là người có trách nhiệm mới làm điều đó.
Tôi có nhìn thấy một người bán hàng mà khi bán hàng, bạn ấy tì tay lên vết sứt của đàn để khách hàng không nhìn thấy. Đấy là những vết sứt hoặc khiếm khuyết khách hàng có thể phát hiện bằng mắt, vậy những chỗ khách hàng không thể nhìn thấy thì sao?
Tôi nói điều này có thể có bạn không vui, nhưng chúng ta phải nhìn trực diện là chúng ta đang ở đâu, đang làm gì, nhận thức của chúng ta đang ở vị trí nào trên thế gian này.
Nhiều người theo thuyết âm mưu cho rằng thế giới là của nghi ngờ và dối trá, vậy, tại sao tôi phải trung thực. Bạn thử nghĩ xem, nếu ai cũng nghĩ và hành động như vậy thì chúng ta sẽ tạo dựng một xã hội như thế nào ?
Tôi thử làm một bài tính. Muốn kinh doanh piano đàng hoàng, bạn phải có vốn vài tỉ. Số vốn đó, nếu bạn để vào ngân hàng, sẽ cho bạn một hoặc vài chục triệu một tháng. Bạn phải thuê mặt bằng, đôi khi đến vài chục triệu. Nếu bạn thuê ở xa trung tâm, khách hàng sẽ ngại đi vì giao thông hay kẹt xe.
Đấy là tôi nói bạn có vốn sẵn có, nếu bạn phải vay ngân hàng để kinh doanh, gánh nặng đó sẽ khác.
Tôi biết có bạn kinh doanh piano, thuê kho ở Hà nội, tiền thuê đã lên đến vài chục triệu.
Ok, bây giờ nói chuyện tiêu thụ. Tôi bán 1 chiếc piano, cứ cho là tôi lãi 1 triệu một cái, một tháng tôi có bán được vài chục cái để bù chi phí không?
Nếu tôi lãi 2 triệu/cái, tôi bán một tháng 15 cái, tôi vẫn không đủ chi phí, vợ con tôi sẽ ra ngồi đường xin ăn.
Nếu tôi lãi 3 triệu/cái, khách hàng kêu lên: "Sao nhiều thế ?". Ok, thưa các bạn, để bán lẻ được 10 chiếc piano/tháng đối với một cửa hàng có uy tín không phải là dễ. Điều đó có nghĩa là trong 3 ngày, bạn phải bán được một cái đàn piano. Tuy nhiên, ngay cả bạn lãi đến 3 triệu/cái thì bạn mới được 30 triệu một tháng.
Bạn vẫn lỗ, vợ con bạn vẫn ra ngồi đường xin ăn.
Nếu bạn lãi 4 triệu một cái đàn, tháng bán 10 cái, bạn được 40 triệu/tháng, bạn có thể sống được với điều kiện bạn phải thuê kho ở xa để giảm chi phí. Tuy nhiên, khi thuê kho ở xa, khách hàng sẽ rất ngại đến với bạn, đa số, họ muốn cơ sở của bạn loanh quanh ở Hà nội thôi.
Bạn vẫn là người thua cuộc vì chắc chắn bạn sẽ không bán được 10 chiếc/tháng khi kho của bạn ở quá xa trung tâm thành phố.
Đó là chưa kể nếu bạn là người có trách nhiệm với đất nước, bạn phải đóng thuế thu nhập, có nghĩa là sau khi trừ hết chi phí, bạn phải đóng 20% thuế thu nhập cho Nhà nước. Nếu bạn trốn đóng thuế, bạn đừng chửi Chính phủ tại sao phải sử dụng tài nguyên sẵn có, bán đi để sống qua ngày, bạn cũng đừng chửi tại sao Chính phủ vay nước ngoài nhiều thế... vì bản thân bạn có làm bổn phận của bạn đâu.
Nếu bạn đã làm đầy đủ bổn phận về thuế, tôi trân trọng, bạn cứ chửi thoải mái, nhất là bọn quan tham.
Nếu khách hàng luôn tìm cách hạ giá sản phẩm họ muốn mua, doanh nghiệp không sống được, họ phải trốn thuế. Nếu vậy, khách hàng cũng không nên chửi Chính phủ tham nhũng vì bản thân khách hàng đang ép doanh nghiệp trốn thuế để tồn tại.
Đó cũng là một hình thức tham nhũng.
Tôi không "vơ đũa cả nắm" nhưng chúng ta nên nhìn hiện tượng bằng nhiều góc cạnh, không có gì nhìn một chiều mà đúng hết.
Nhiều chiếc đàn piano cơ cũ hiện nay bán đến tay khách hàng chỉ có giá trên dưới 20 triệu (khoảng 877 USD). Thưa các bạn, nếu một chiếc đàn piano cũ chuyển từ Nhật bản về, qua sửa chữa mà chỉ có từng ấy thì thử hỏi chi phí đâu để bảo dưỡng và làm cho nó tử tế. Nếu tôi lãi (chưa trừ) khoảng 1 triệu đồng một cái đàn thì đừng hi vọng tôi bảo hành.
Tại sao ?
Lên dây miễn phí đã 550k một lần; vận chuyển tầng 1 miễn phí, tối thiểu 500K; chưa kể các phụ kiện đi kèm như ghế, ống sấy, khăn phủ... Nếu họ hứa với bạn là bảo hành 5 hoặc 10 năm hoặc cả đời, bạn tin là việc của bạn, hoặc bạn phải là ai đó người ta mới làm miễn phí cho bạn từng ấy năm.
Công ty tôi là một trong số ít doanh nghiệp nhập piano về khá sớm. Hôm nay, khi nhìn danh sách hàng, tôi không hiểu tại sao đàn piano lại có giá thấp như vậy khi đến tay khách hàng. Việc ép giá doanh nghiệp, cạnh tranh thiếu lành mạnh cũng vô tình ép các doanh nghiệp thi nhau giảm giá bằng cách giảm bớt công đoạn hoàn thiện đàn (thí dụ như lên dây piano chỉ lên những nốt sai, những nốt khác kệ; giống như quét nhà, chỉ quét chỗ có rác, chỗ khác kệ).
Ngoài ra, tôi không khẳng định, nhưng không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp khai thấp giá nhập khẩu để trốn thuế giá trị gia tăng (VAT). Nếu khách hàng tiếp tục ép giá doanh nghiệp, vẫn có những thành phần trốn thuế, hạ giá cạnh tranh thiếu lành mạnh, rút bớt công đoạn hoàn thiện đàn, khách hàng tiếp tục cổ xúy cho những doanh nghiệp đó, các bạn đừng trách đất nước không phát triển vì bạn chính là một phần trong đó, vì bạn có muốn góp phần đóng thuế cùng doanh nghiệp đâu.
Sau một thời gian đắn đo, chúng tôi quyết định hạ giá sản phẩm vì sau khi tính toán chính xác, chúng tôi thấy kinh doanh piano không có lãi nữa.
Mục đích của lần hạ giá này là để khách hàng thấy rõ chi phí cho một chiếc đàn piano sẽ ra sao nếu bạn không trốn thuế. Nếu bán với giá đó, bạn sẽ không có bảo hành. Chúng tôi cũng sẽ làm những gì có thể, nhưng làm cái gì thì nói rõ cái đó, và chúng tôi sẽ nói hết các rủi ro cho các bạn nếu không sửa chữa một hạng mục nào đó.
Chúng tôi sẽ cung cấp những gói bảo hành, kèm theo các điều kiện về tài chính và tùy theo nhu cầu của khách hàng.
Trở lại câu chuyện: Tại sao đã không có lãi lại hạ giá?
Xin thưa, đó là cách đánh bài ngửa. Chúng tôi giảm thiểu các chi phí, tạo việc làm cho một số bạn có tay nghề; chúng tôi muốn lùi tiếp một bước để tiến lên sau đó, với hi vọng đưa thị trường piano chệch choạc này về một quĩ đạo tốt hơn.
Đấy là chưa kể hiện nay, piano điện cũ tràn ngập thị trường. Với những chiếc piano điện cũ dưới 10 triệu thường có tuổi thọ khoảng hơn 20 năm. Hàng điện tử có tuổi đời như vậy liệu có ổn không?
Xin thưa là rất khó!
Các cửa hàng thường không tự nguyện nói năm sản xuất của đàn piano điện cho bạn hoặc họ nói họ không biết. Bạn chỉ cần nhìn xuống gầm đàn, nếu họ xé bỏ năm sản xuất ở gầm đàn, bạn chỉ cần nhớ mô-đen của đàn và tên đàn, bạn về hỏi "ngài google" là biết.
Nếu bạn có một người vợ hoặc ông chồng thông minh, về hỏi cô ấy hoặc ông ấy.
Piano điện cũ thường được bảo hành 3 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, xin lưu ý các bạn là không phải ai hứa cũng làm. Là người kinh doanh khá lâu trong nghề, tôi thấy tỉ lệ người hứa và không thực hiện đúng lời hứa của mình khá nhiều, nhất là đối với piano điện. Khi gọi bảo hành, họ nói họ quên, nhắc vài lần có thể họ nhớ, và dù họ có nhớ và sửa chữa chăng nữa, bạn có định bỏ gần 10 triệu ra để dùng trong vài tháng hoặc tối đa 1 năm?
Trong bảo hành bạn gọi còn khó, thử hỏi ngoài bảo hành bạn gọi, ai sẽ đến?
Hàng ngày tôi nhận khá nhiều điện thoại nhờ sửa piano điện không phải do tôi bán ra. Tôi có cậu em ngập đầu trong việc sửa chữa piano điện trong bảo hành hoặc hết bảo hành.
Cậu ta có vẻ kiếm tiền tốt trong việc này.
Lỗi tại ai ?
Các bạn đã quá tham rẻ và điều đó đôi khi đã lấp đi cái nhìn rành mạch về vấn đề.
Nếu bạn chưa đủ tiền mua piano cơ để tự học hoặc cho con cái bạn học, bạn tìm doanh nghiệp uy tín, mua một chiếc guitar vài triệu, một chiếc kèn clarinet của Tàu cũng được (cũng chỉ vài triệu), hoặc một chiếc Ukulele vài trăm ngàn, không nhất thiết phải học piano. Miễn là bạn tiếp xúc với một thứ văn hóa, với nghệ thuật một cách đích thực là được.
Các bạn cũng không cần phải đến những cơ sở hoành tráng, vì hoành tráng thì tiền thuê nhà đắt. Tiền trang trí cho một địa điểm đẹp có thể lên từ vài chục cho đến vài trăm triệu.
Khách hàng thường sẽ phải gánh chi phí đó.
Nếu bạn muốn tốt và rẻ, có thể bạn phải hi sinh cái đẹp, cái hoành tráng;
nếu bạn muốn đẹp, hoành tráng và rẻ, có thể nó sẽ không tốt.
Còn nếu bạn muốn hoành tráng, muốn tốt, đẹp và rẻ..;
khái niệm đó không tồn tại trên hành tinh này ./.
Huy Quang - Piano
Comments
Post a Comment